'Bơm' lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine, kho tên lửa của Mỹ đang đối mặt với sức ép lớn
Sau khi cung cấp cho Ukraine số lượng tên lửa khổng lồ, Mỹ hiện đang đối mặt với sức ép to lớn để bổ sung kho vũ khí của mình giữa bối cảnh các nhà thầu quân sự gặp nhiều thách thức nghiêm trọng.
Mỹ cung cấp số lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine
Những máy bay cất cánh gần như hàng ngày từ Căn cứ Không quân Dover ở Delaware - đó là những máy bay C-17 chở các tên lửa Javelin, Stinger, lựu pháo và các trang thiết bị tới Đông Âu để cung cấp cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Tác động thay đổi cục diện chiến tranh của những vũ khí này chính xác là những gì Tổng thống Joe Biden kỳ vọng để làm nổi bật khi ghé thăm nhà máy của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin tại Alabama ngày 3/5. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các tên lửa chống tăng Javelin.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng của Washington khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Đó là liệu Mỹ có thể duy trì nhịp độ cung cấp số lượng khổng lồ các vũ khí tới Ukraine trong khi đảm bảo kho vũ khí của mình trong trường hợp cần thiết nếu một cuộc xung đột mới nổ ra với Triều Tiên, Iran hoặc những đối thủ khác hay không.
Theo một phân tích của ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Mỹ đã cung cấp khoảng 7.000 tên lửa Javelin, bao gồm cả những tên lửa được cung cấp dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump cho Ukraine, chiếm 1/3 kho tên lửa này của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ đã cam kết cung cấp khoảng 5.500 tên lửa Javelin cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự cách đây 2 tháng.
Các nhà phân tích cũng ước tính, Mỹ đã cung cấp khoảng 1/4 kho tên lửa vác vai Stinger cho Ukraine. CEO của Tập đoàn Công nghệ Raytheon Technologies nhận định với các nhà đầu tư hồi tuần trước rằng công ty này không thể tăng cường sản xuất cho tới năm sau do những vấn đề thiếu hụt về nguyên liệu.
"Liệu điều này có gây ra vấn đề hay không? Câu trả lời có lẽ là có", ông Cancian, một cựu chuyên gia về chiến lược ngân sách của Lầu Năm Góc cho hay. Ông cho biết, việc sản xuất các tên lửa Stinger và Javelin đã gặp hạn chế trong những năm gần đây.
Chi tiêu quân sự tăng vọt
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu cơ hội lớn để tăng lợi nhuận khi các nghị sĩ từ Washington tới Warsaw đều ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng để phản ứng trước các hành động của Nga. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà thầu quân sự đang đối mặt với những thách thức thiếu hụt về nguồn cung và hạn chế về chuỗi cung ứng tương tự như các nhà sản xuất khác, cùng với những vấn đề đặc thù trong ngành công nghiệp này.
Chi tiêu quân sự của Mỹ và thế giới thậm chí đã tăng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngân sách đề xuất cho năm 2023 của chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ chi khoảng 773 tỷ USD cho Lầu Năm Góc, tăng khoảng 4%.
Trên toàn cầu, tổng chi tiêu quân sự đã tăng 0,7% lên hơn 2.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2021, một báo cáo hồi tháng 4 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay. Nga xếp thứ 5 về chi tiêu quân sự trong khi chi tiêu cho vũ khí của nước này đã tăng trước cả khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
Chiến tranh cũng đồng nghĩa với việc doanh thu của một số nhà thầu quân sự tăng lên, trong đó có Raytheon, công ty sản xuất các tên lửa Stinger mà quân đội Ukraine đang sử dụng để chiến đấu với Nga. Công ty này cũng hợp tác chung với Lockheed Martin để sản xuất các tên lửa Javelin.
Tổng thống Biden đã thăm một cơ sở của Lockheed Martin tại Troy, Alabama ngày 3/5 với khả năng sản xuất khoảng 2.100 tên lửa Javelin/năm. Chuyến thăm này diễn ra giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đang hối thúc Quốc hội nhanh chóng thông qua gói ngân sách trị giá 33 tỷ USD mà ông đề xuất nhằm hỗ trợ kinh tế và an ninh cho Ukraine, các đồng minh phương Tây cũng như bổ sung các vũ khí mà Mỹ cung cấp cho những quốc gia này.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết hôm 2/5 rằng, ông hy vọng một thỏa thuận lưỡng đảng về gói an ninh này sẽ nhanh chóng đạt được để Thượng viện có thể bắt đầu xem xét nó "sớm nhất là vào tuần tới".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đánh giá hôm 2/5 rằng khả năng sẵn sàng của quân đội Mỹ không phụ thuộc vào một hệ thống, chẳng hạn như Javelin. Ông Kirby nhận định, việc Javelin có khả năng nhất định không có nghĩa là nếu không có nó thì mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ sẽ không còn nữa. Theo ông, Javelin có khả năng chống tăng và đáp ứng những nhiệm vụ cụ thể nhưng nó không phải là vũ khí chống tăng duy nhất.
CEO của Lockheed Martin James Taiclet nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với CNBC rằng nhu cầu cho tên lửa Javelin và các hệ thống vũ khí khác sẽ tăng lên theo thời gian do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ông cũng cho biết công ty này đang nỗ lực để tăng cường chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu sản xuất hiện nay, đồng thời đầu tư để tăng quy mô và tìm kiếm những cách thức để tăng sản xuất trong trường hợp cần thiết", Lockheed Martin cho biết trong một thông báo.
Các quan chức Lầu Năm Góc gần đây đã ngồi lại với một số nhà thầu quân sự hàng đầu như Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, General Dynamics, BAE Systems và Northrop Grumman để thảo luận về những nỗ lực nhằm tăng sản xuất.
Kho tên lửa Mỹ đối mặt với sức ép lớn
Các nhà thầu quốc phòng lớn ở Mỹ hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Chẳng hạn, Raytheon không thể ngay lập tức tăng sản xuất Stinger để thay thế 1.400 tên lửa Mỹ đã cung cấp cho Ukraine. Hayes, CEO của Raytheon cho biết trong một cuộc họp trực tuyến với các nhà phân tích rằng các thành phần để sản xuất tên lửa này của công ty chỉ có số lượng hạn chế. Ngoài ra, chỉ có 1 quốc gia mua chúng trong những năm gần đây và Lầu Năm Góc đã không mua mới bất kỳ tên lửa Stinger nào trong gần 20 năm.
Các lệnh trừng phạt cũng làm phức tạp thêm tình hình. Các công ty phải tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô mới như titanium - một thành phần quan trọng trong sản xuất hàng không vũ trụ được sản xuất ở Nga.
Mối lo ngại về kho tên lửa Stinger đã được nêu ra bởi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith và người đứng đầu đảng Cộng hòa trong ủy ban này, Hạ nghị sĩ bang Alabama - ông Mike Rogers. Hai nghị sĩ này đã viết thư gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, gọi đây là vấn đề "cấp bách".
Ông Rogers cho biết ông vẫn lo ngại vấn đề này không được xem xét một cách thỏa đáng.
"Tôi đã yêu cầu Bộ Quốc phòng trong gần 2 tháng đưa ra kế hoạch lấp đầy kho tên lửa Stinger cũng như Javelin. Tôi lo ngại rằng nếu không sẵn sàng thay thế hoặc chủ động về chuỗi sản xuất, chúng ta có thể đặt Ukraine và các đồng minh NATO vào thế dễ bị tấn công"./.