Bộ Xây dựng đề xuất làm cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum hơn 44.000 tỷ đồng

Dự kiến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 80 - 100, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h...

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc. Ảnh minh họa

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc. Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, dự án có tổng chiều dài khoảng 144km.

Theo phương án của Bộ Xây dựng, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 80 - 100, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án hơn 44.300 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Ngân sách Trung ương bố trí phần xây lắp và các chi phí còn lại.

Trường hợp triển khai theo quy định hiện hành, dự án dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 10/2025, phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 5/2026, khởi công vào tháng 12/2026, hoàn thành vào tháng 12/2029.

Nếu triển khai theo cơ chế đặc thù (tương tự dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông), dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2025, phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 4/2026, khởi công vào tháng 10/2026, hoàn thành vào tháng 9/2029.

Điểm đầu km 0+000 giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc địa phận huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây thuộc địa phận thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Theo Bộ Xây dựng việc đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum là cần thiết. Dự án được đầu tư sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum; kết nối các cửa khẩu của Lào, Campuchia trong khu vực Tây Nguyên với các trục dọc Bắc - Nam, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao địa phương làm cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan bàn giao kết quả nghiên cứu sơ bộ nêu trên cho địa phương để triển khai các bước tiếp theo.

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum đóng vai trò là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, cụ thể là từ Quảng Ngãi đến Kon Tum. Điều này giúp hình thành hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế giữa các vùng.

Nếu được xây dựng, dự án sẽ phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai địa phương, đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum (khu du lịch Quốc gia Măng Đen), tiềm năng cảng biển, du lịch tỉnh Quảng Ngãi (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành trung tâm du lịch biển - đảo).

Việc hoàn thiện tuyến cao tốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, giúp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian di chuyển, từ đó thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư dự án xây dựng đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh thuộc tuyến đường bộ cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.

Theo sơ bộ phương án đầu tư, tuyến cao tốc đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh có chiều dài khoảng 68km. Điểm đầu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao Cao Lãnh, kết nối với đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Tuyến sẽ được đầu tư đạt quy mô đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/h gồm 4 làn xe cao tốc, có 2 làn dừng khẩn cấp.

Trên cơ sở tham khảo suất vốn đầu tư quy định và mức vốn đầu tư một số dự án tương tự, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh khoảng 21.856 tỷ đồng. Trong đó, phần đầu tư xây dựng khoảng 14.347 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 4.658 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 2.850 tỷ đồng.

Đối với hình thức đầu tư dự án, Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu chi tiết sẽ phân tích, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp theo định hướng ưu tiên đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Dự kiến nếu được đầu tư xây dựng, tuyến cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đến TP.HCM và các tỉnh miền Tây, đặc biệt là hàng hóa trực tiếp đến cảng biển tại Trà Vinh.

Tuyến đường này cũng sẽ kết nối với các tuyến cao tốc trục dọc như cao tốc Bắc – Nam phía Tây và cao tốc Bắc – Nam phía Đông, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng đoạn Cao Lãnh – An Hữu.

Linh Phong

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bo-xay-dung-de-xuat-lam-cao-toc-quang-ngai-kon-tum-hon-44000-ty-dong-post559881.html