Bộ trưởng Y tế: Có tình trạng bác sĩ tuyến dưới cố gắng chuyển lên tuyến trên

Trong phiên chất vấn chiều 14/6, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về y tế cơ sở. Theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ đang có nhiều giải pháp đầu tư về nhân lực, kỹ thuật cho bệnh viện cơ sở, nhất là với vùng sâu vùng xa, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong điều kiện xuất phát điểm thấp, ngân sách đầu tư còn hạn chế so với nhu cầu, Bộ đã chọn lựa những việc ưu tiên để làm. Bộ xác định vấn đề về y tế cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này, trong đó có vấn đề nhân lực cho tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa.

Về bộ máy tổ chức, như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu nêu vào cuối phiên chất vấn sáng nay là “hệ thống y tế cơ sở phân tán”, “ lãng phí ngân sách”, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều văn bản quy định về tổ chức cơ sở y tế. Bộ trưởng và 5 thứ trưởng đã đi rà soát các tỉnh để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế.

Nếu các tỉnh và các trung tâm không có người bệnh mà tập trung lại được, như 9 trung tâm nhập lại còn 2 hoặc 13 trung tâm nhập lại còn 2-3 thì tại 63 tỉnh thành sẽ giảm được biên chế, tinh gọn được bộ máy.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tương tự ở tuyến huyện, Bộ đã có Thông tư 37, mỗi huyện chỉ có một trung tâm y tế. Dưới có trạm y tế xã là cơ quan chuyên môn, cán bộ làm việc ở xã như một viên chức. Như vậy, có thể luân phiên điều động từ xã lên huyện.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đã đề xuất với Bộ Nội vụ, ở một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh có phòng y tế với đầy đủ chức năng, còn ở tỉnh quy mô dân số thấp, thì nên có một người chuyên trách lo về y tế gắn với Ủy ban nhân dân huyện”, Bộ trưởng cho biết.

Thừa nhận có tình trạng nhân lực vừa thiếu vừa yếu ở tuyến dưới, cán bộ, bác sĩ tuyến dưới cố gắng chuyển lên tuyến trên, bác sĩ giỏi cố gắng làm bệnh viện lớn hoặc ra ngoài làm có lương cao hơn, Bộ trưởng cũng nêu ra các giải pháp cụ thể để giải quyết trình trạng này.

Theo đó, Bộ đã có mô hình đào tạo cử tuyển (với đào tạo đại học) cho vùng sâu, vùng xa gần 10 năm nay hay đào tạo theo địa chỉ ở những vùng khó khăn được lấy trên sàn dưới chuẩn. Bộ cũng thực hiện thí điểm đề án, với những người tốt nghiệp loại giỏi, loại khá thì đào tạo thêm 3 năm chuyên khoa sẽ về công tác ở huyện vùng sâu, vùng sa. Sắp tới Bộ sẽ bàn giao cho Lào Cai 7 bác sĩ, và bàn giao 79 bác sĩ cho các địa bàn khó khăn khác.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang thực hiện đề án 1816 chuyển giao công nghệ, theo đó bệnh viện Trung ương chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh chuyển giao cho bệnh viện huyện, bệnh viện huyện chuyển giao cho bệnh viện tuyến xã. Vì vậy trong thời gian ngắn, kỹ thuật lên rất cao.

Trước đó, trong phiên chất vấn sáng 14/6, nhiều đại biểu cho rằng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Phúc chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên-Huế) nêu lên thực tế, cơ cấu bệnh tật thay đổi, nhiều bệnh nan y, y tế cơ sở không phát hiện được. Đến khi phát bệnh thì đã nghiêm trọng, điều trị tốn kém. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phản ánh thực tế rất nhiều bệnh nhân điều trị mãi một cơ sở y tế không khỏi, nhưng không được chuyển lên tuyến trên bởi bị ràng buộc bảo hiểm y tế.

Đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội) cũng nêu thực tế, y tế cơ sở phường, xã, nhất là khu vực đô thị, được đầu tư trang thiết bị khá tốt nhưng sử dụng kém hiệu quả, mới sử dụng vào y tế dự phòng. Trong khi đó, nhiều bác sỹ phải đi thuê mướn cơ sở khám chữa bệnh với chi phí cao. Đại biểu Lê Quân đặt câu hỏi, tại sao ta không học các nước, cho phép bác sĩ được sử dụng thiết bị y tế công ở những trung tâm, trạm y tế xã phường, vốn đang ít được sử dụng, vào việc khám chữa bệnh?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu rõ: Cử tri kiến nghị danh mục bệnh nan y được đến thẳng tuyến Trung ương chứ không phải đi lòng vòng qua nhiều cửa hiện nay vì thủ tục rườm rà, mất thời gian mà bệnh này chỉ có tuyến Trung ương chữa được. Bộ trưởng có suy nghĩ gì đối với kiến nghị này?

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ “thông toàn quốc”.

Tuy nhiên, y tế cơ sở là nơi có thể chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với các bệnh thông thường, cấp cứu. Với các bệnh nặng, mãn tính, như: ung thư, tim mạch, các bệnh phổi..., Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu, hệ thống theo dõi giám sát, điều trị theo phác đồ. Thực tế có nhiều bệnh nhân được khám dưới xã, huyện, lĩnh thuốc bảo hiểm hàng tháng trên huyện rất thuận lợi nhưng có nguyện vọng nhận thuốc, chữa bệnh ngay tại xã, không cần phải đi xa.

Xuân Phong/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-y-te-co-tinh-trang-bac-si-tuyen-duoi-co-gang-chuyen-len-tuyen-20170614163225313.htm