Bộ trưởng Tư pháp: Đúng là 'tuổi thọ' của các luật, văn bản pháp luật đang ở mức thấp
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp.
Sáng nay, 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn khá nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Cùng đó, việc giao các bộ, ngành tự chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm thuộc phạm vi quản lý của mình dễ dẫn đến lợi ích riêng, cục bộ và chất lượng làm văn bản có thể chưa cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH Bình Định) cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp để nâng cao tính khả thi, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật khi hậu kiểm?...
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp.
Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể.
Liên quan đến trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ đã có nhiều cố gắng, nhưng mới chỉ đạt được mức độ, kết quả nhất định.
Theo ông Long, hệ thống pháp luật của chúng ta rất đa dạng các hình thức, Bộ đang cố gắng phát huy cơ chế của hội đồng thẩm định, nhưng không phải trong mọi trường hợp hội đồng thẩm định đều hoạt động tốt.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc tuyển chọn nhân sự làm công tác xây dựng pháp luật, cần có các chế độ ưu tiên, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân tài, giữ chân nhân lực... Đó là những giải pháp Bộ đang thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định.
Tham gia chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) phản ánh, tình trạng nợ hoặc ban hành chậm các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và trách nhiệm nhằm khắc phục tình trạng này.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên ở năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm ban hành tăng.
Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật.
Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế…
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.