Bộ trưởng Tài chính: Chuyển nguồn ngân sách lớn chủ yếu để tích lũy cải cách tiền lương
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chi chuyển nguồn quy mô lớn chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương rất cao.
Sáng 7/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tại phiên họp, Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến số liệu báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách.
Đặc biệt số quyết toán chi ngân sách Nhà nước giảm 407.317 tỷ, số bội chi ngân sách Nhà nước giảm 49.317 tỷ. Như vậy giảm nhiều so với dự toán. Theo đại biểu, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau.
Bên cạnh đó, số chuyển nguồn sang năm sau theo đại biểu cũng rất lớn. Đại biểu Đỗ Thị Lan khẳng định, nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương tại địa phương có nhu cầu lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách.
Điển hình như, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%. Thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động phải chuyển nguồn sang năm 2023, năm 2024.
"Việc sử dụng ngân sách Nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách," đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh nhận xét.
Theo đó, đại biểu đề nghị những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội, có giải pháp để khắc phục.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, quy định phù hợp để rút ngắn quy trình, thời gian lập, thẩm định quyết toán ngân sách Nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc trong chi ngân sách Nhà nước.
Thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn
Phát biểu giải trình, về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Kỳ họp tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán.
Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch.
Về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.
"Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn," Bộ trưởng lý giải.
Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho biết, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.
Đối với các khoản chi thấp như chi đầu tư, Bộ trưởng cho biết, do quy trình triển khai thủ tục đầu tư, từ đầu năm, các khoản chi đầu năm thường ở mức thấp, nhưng những tháng cuối năm thì con số thường tăng cao.
Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tăng trưởng thấp, nhưng quý 3 năm 2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt, nên đến cuối năm, tăng trưởng đạt 8,02%. Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó, thu ngân sách cũng tăng lên.
Việc huy động nguồn vốn bù đắp bội chi, trả nợ gốc trong năm 2022, báo cáo Bộ Tài chính giải trình gửi đến đại biểu Quốc hội khẳng định đã điều hành trên cơ sở bám sát tình hình thu, chi, tồn quỹ Ngân sách Trung ương trong năm (trước thời điểm 31/12).
"Thực tế, Bộ Tài chính huy động vốn thấp hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội giao, thấp hơn cả tổng mức vay được quyết toán, không xảy ra tình trạng lãng phí do chi phí vay nợ," báo cáo nêu.
Nêu cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, tổng nhiệm vụ huy động vốn của ngân sách Trung ương theo dự toán trên 613.000 tỷ đồng. Tổng nhu cầu huy động của ngân sách Trung ương hơn 479.000 tỷ đồng, giảm gần 134.000 tỷ đồng so với dự toán. Số thực huy động đến hết năm 2022 là 270.800 tỷ đồng, bằng 44% dự toán, bằng 56% nhiệm vụ huy động theo quyết toán.
Trong điều hành, Bộ Tài chính cho biết, đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giảm phát hành trái phiếu Chính phủ, sử dụng nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách Trung ương, tiết kiệm chi phí trả lãi vay.
Nhiệm vụ huy động vốn còn lại theo quyết toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ và vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.