Bộ Tài chính nói gì việc tiền chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở quá cao?
Trong quá trình sửa đổi Nghị định 103, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội và các địa phương về tiền sử dụng đất và tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở với nhiều vấn đề đặt ra cần tháo gỡ và đưa ra nhiều phương án đề xuất khác nhau.
Phát biểu tại Hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22/7, ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết, trong quá trình sửa đổi Nghị định 103, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội và các địa phương về tiền sử dụng đất và tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở với nhiều vấn đề đặt ra cần tháo gỡ và đưa ra nhiều phương án đề xuất khác nhau.

Ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Bộ Tài chính - phát biểu tại hội thảo.
Bộ Tài chính đã gặp trực tiếp, làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh về tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở. Trên cơ sở tổng hợp trung thực, theo chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đã trình dự thảo sửa Nghị định 103. Đồng thời cũng có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành với các phương án khác nhau.
Đối với khoản tiền nộp thuế bổ sung, 3 nhóm đề xuất là giữ nguyên mức thu, giảm thu và không thu khoản thu bổ sung. Đây là 3 phương án đề xuất. Bộ Tài chính đã hoàn thiện và có phương án giảm mức thu cũng như giảm thời gian tính tiền sau khi trừ đi thời gian cơ quan chức năng tính tiền sử dụng đất.
Riêng đối với nội dung kiến nghị không thu tiền nộp thuế bổ sung, Bộ Tài chính xin được ghi nhận và cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa Luật Đất đai.
Đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, ông Cận xác nhận thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được ý kiến phản ánh do giá đất trên bảng giá đất tại một số địa phương xác định theo Luật Đất đai 2024 cao đột biến so với bảng giá đất cũ. Trong đó, giá đất ở tăng cao nhiều lần so với giá đất nông nghiệp nên khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất cao nhiều lần so với trước đây.
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực hiện việc tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
“Trước mắt sẽ kế thừa Luật Đất đai 2013, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ theo phương án giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trong bối cảnh giá đất tại một số địa phương cao đột biến so với bảng giá đất cũ. Trong trường hợp người dân được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thuần túy sang đất ở sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024, muốn sửa thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, ông Cận nói.

Thời gian qua, một số địa phương không điều chỉnh kịp thời bảng giá đất hoặc quá cao, gây ra những tác động cho xã hội.
Trong khi đó, ông Võ Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, trong công tác xây dựng bảng giá đất các địa phương, bảng giá đất áp dụng lần đầu sẽ được công bố năm 2026, thời gian tính toán giá đất được giãn ra là để các địa phương điều chỉnh tránh bị sốc sau các thông tin sáp nhập.
“Trong thời gian vừa rồi đã có nhiều địa phương điều chỉnh bảng giá đất, rà soát thu hẹp chênh lệch bảng giá đất để tránh tăng giá đột biến ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ở một số địa phương không điều chỉnh kịp thời hoặc quá cao, gây ra những tác động cho xã hội”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng đặt vấn đề, tại sao thời gian qua có những trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở lại phải nộp tiền sử dụng đất cao như vậy? “Nguyên nhân là do cách tính còn nhiều điểm chưa phù hợp đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư", ông Tuấn lý giải.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, ở vấn đề này thì việc thực thi, điều chỉnh là thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Hiện nay, Cục đang đề xuất sửa và đang đưa vào sửa Nghị định 71 và luật Đất đai trình quốc hội trong tháng 10/2025, có thể sẽ khắc phục được những khó khăn của các địa phương trong thời gian qua trong việc định giá đất.
“Trong các định hướng, cơ bản chúng ta sẽ áp dụng bảng giá đất kèm theo các hệ số điều chỉnh, dự kiến bảng giá đất sẽ có giá trị trong 5 năm còn hệ số điều chỉnh sẽ được xem xét và điều chỉnh hàng năm”, ông Tuấn nói.