Bộ Ngoại giao đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung cải cách Thủ tục hành chính (TTHC), tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của cải cách hành chính.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Tọa đàm ‘Triển khai Ngoại giao số của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị’. (Ảnh: Anh Sơn)

Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đã khẩn trương ban hành 04 nghị định, 21 nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 46 quyết định, 106 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những thành công, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) qua các giai đoạn trước, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: đến năm 2025 hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tối thiểu 80% TTHC của bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp mức độ 3 và 4 vào năm 2025 và 90% TTHC vào năm 2030, đồng thời hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thống nhất, đồng bộ với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã kịp thời ban hành Chương trình tổng thể CCHC của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2030, đặt ra yêu cầu rà soát, xây dựng kế hoạch, bám sát lộ trình thực hiện các mục tiêu về việc cắt giảm TTHC giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Hằng năm, Bộ Ngoại giao ban hành Kế hoạch Kiểm soát TTHC để rà soát, công bố các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đôn đốc các đơn vị có TTHC cập nhật, chuẩn hóa hồ sơ, kết quả TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn và yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Trong năm đầu tiên triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, nhìn chung, các bộ, cơ quan, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực cải cách TTHC. Theo kết quả chấm điểm chỉ số CCHC Par Index 2021, Bộ Ngoại giao là 1 trong 3 cơ quan của Chính phủ dẫn đầu về Chỉ số thành phần “cải cách TTHC”, đạt mức 89%. Thực tế, thời gian qua, đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao đã rất nỗ lực trong công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Một cửa theo quy định.

Xác định đơn giản hóa TTHC tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục rà soát, nghiên cứu phương án cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và nâng cấp TTHC tại Bộ Ngoại giao. Tại cuộc họp về triển khai công tác CCHC của Bộ Ngoại giao Quý IV/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Ngoại giao xây dựng phương án, lộ trình thực hiện mục tiêu cắt giảm TTHC theo yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các đơn vị có TTHC phải chủ động nghiên cứu, đề xuất kế hoạch nâng cấp các TTHC tại các đơn vị ở trong nước và tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài lên mức độ 3 và 4 bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Hiện nay, theo thống kê, tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của Bộ Ngoại giao đã công bố, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm 71 thủ tục, trong đó có 34 thủ tục thực hiện ở trong nước, 37 thủ tục thực hiện tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, liên quan đến các lĩnh vực lãnh sự, báo chí, lễ tân nhà nước, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài… Trong số các TTHC ở trong nước, có 07 TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, đạt 100% kế hoạch đề ra thuộc công tác lãnh sự. Các dịch vụ công này đều đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ; được kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự. Về cơ bản, các TTHC đã được rà soát, chuẩn hóa và đề xuất cắt giảm thủ tục ở mức tối đa, bảo đảm minh bạch, công khai và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC.

Theo kết quả chấm điểm, năm 2021, chỉ số CCHC của Bộ Ngoại giao đạt 88 điểm, xếp thứ 5/17. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Gắn kết cải cách TTHC với nhiệm vụ chuyển đổi số

Với phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đồng thời thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong công tác, thời gian qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quy trình giải quyết công việc, cải tiến việc triển khai cung cấp một số dịch vụ tiện ích trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, như: cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích (BCCI) trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; phân cấp giải quyết TTHC cho các cơ quan Ngoại vụ địa phương; thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ đã tăng cường khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ đặt hẹn trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ để giúp Bộ phận Một cửa duy trì và quản lý tốt hơn công tác tiếp nhận hồ sơ, tránh được hiện tượng cá nhân, tổ chức phải chen lấn, xô đẩy hoặc qua trung gian bất hợp pháp để nộp hồ sơ, qua đó, góp phần tổ chức tốt hơn việc giãn cách xã hội trong việc giải quyết các TTHC.

Đặc biệt, sau giãn cách xã hội, nhu cầu hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng cao để học tập, lao động, đầu tư tại nước ngoài nên số lượng hồ sơ nộp làm thủ tục đã dẫn đến tình trạng xếp hàng dài trước cổng cơ quan, nghiêm trọng hơn còn xảy ra các tình huống tranh cãi, xô đẩy gây mất an ninh trật tự. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng có các biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp như: thứ nhất, phối hợp kịp thời với Viettel điều chỉnh thời gian tương ứng với mỗi suất xếp hàng trực tuyến từ 5 phút xuống 3 phút để tăng số lượng người có thể nộp hồ sơ; thứ hai, tăng số lượng cửa tiếp nhận hồ sơ từ 4 cửa lên 10 cửa; thứ ba, tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ (mở cửa sớm hơn 30 phút và kết thúc muộn hơn 30 phút so với thời gian làm việc đã niêm yết); thứ tư, mở thêm điểm tiếp nhận hồ sơ hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự ngoài địa điểm chính tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, để tăng cường năng lực xử lý hồ sơ sau khi tiếp nhận, Bộ Ngoại giao đã kịp thời điều động, bố trí thêm cán bộ có chuyên môn để tăng cường nhân sự cho 4 cửa tiếp nhận hồ sơ mới, góp phần đáp ứng hiệu quả nhu cầu chính đáng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Cuộc họp của Ban chỉ đạo CCHC của Bộ Ngoại giao triển khai nhiệm vụ quý IV/2022. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Bên cạnh những nỗ lực đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao tiếp tục gắn kết các nhiệm vụ CCHC với chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ. Bộ Ngoại giao đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đề ra một số mục tiêu cơ bản, trong đó: đến năm 2025 sẽ có 80% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Ngoại giao được cung cấp ở mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại Bộ Ngoại giao được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% báo cáo định kỳ, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê không có nội dung mật được thực hiện trên môi trường mạng và được kết nối, tích hợp, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hoàn thành triển khai Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Ngoại giao và tích hợp nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP để kết nối, làm giàu và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia…

Bộ Ngoại giao cũng tích cực triển khai dự án xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2025, hướng tới xây dựng và triển khai Ngoại giao số, bảo đảm hạ tầng và cơ sở vật chất cho các hệ thống nền tảng số của Bộ Ngoại giao hoạt động ổn định, an toàn; định kỳ kiểm tra, giám sát quá trình chuyển đổi số của Bộ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số phục vụ đánh giá định kỳ về tính hiệu quả của quá trình chuyển đổi số tại Bộ Ngoại giao.

Việc triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ là điều kiện thuận lợi để Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt các nhiệm vụ CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng, góp phần tạo dựng một hành lang thủ tục pháp lý thông thoáng, đơn giản, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về việc xây dựng một nền Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

Phạm Quang Hiệu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-dong-hanh-cung-nguoi-dan-doanh-nghiep-205887.html