Bộ giáo dục và Đào tạo đánh giá 1 năm triển khai thí điểm công nhận huyện, tỉnh/thành phố học tập
Ngày 18/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 1 năm triển khai thí điểm công nhận huyện, tỉnh/thành phố học tập.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hữu Độ; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Vụ phó Vụ Giáo dục và Đào tạo dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Thị Mai Hoa; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Xuân Thủy cùng lãnh đạo 7 sở giáo dục và đào tạo, lãnh đạo hội khuyến học địa phương tham gia thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Bộ tiêu chí công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập với những chỉ số dễ nhớ, dễ thực hiện.
7 địa phương triển khai thí điểm mô hình huyện, tỉnh/thành phố học tập bao gồm: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp.
Các địa phương tham gia thí điểm đã có đánh giá rất thực chất các tiêu chí đạt và chưa đạt khi triển khai thí điểm.
Tại hội nghị lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương đóng góp ý kiến chỉnh sửa một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế trong Bộ tiêu chí công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập.
Các địa phương xây dựng huyện, tỉnh/thành phố học tập hoàn thành chỉ báo mức cao
Báo cáo tóm tắt kết quả 1 năm triển khai thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Xuân Thủy cho biết, 7/7 tỉnh, thành phố thí điểm đã ban hành kế hoạch triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm công nhận quận/huyện học tập, thành phố học tập.
Sau 1 năm triển khai thí điểm, có 41/87 quận, huyện, thị, thành phố (gọi chung là huyện) được lựa chọn để thực hiện thí điểm công nhận quận/huyện học tập, thành phố học tập (đạt 47,1%). Có 6/7 tỉnh, thành phố lựa chọn từ 50% số huyện trở lên để thực hiện thí điểm công nhận quận/huyện học tập, thành phố học tập.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị được chọn thí điểm cũng ban hành kế hoạch thực hiện và có văn bản hướng dẫn, phối hợp và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai kế hoạch.
Theo đánh giá tại hội nghị, công tác triển khai thí điểm được quan tâm chỉ đạo, có sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và được thực hiện thông suốt từ tỉnh đến huyện.
Đến nay, công tác thí điểm bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nhiều địa phương đã phấn đấu hoàn thành một số chỉ báo ở mức cao. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ triển khai công tác thí điểm mặc dù là cán bộ kiêm nhiệm, song có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Đã có 4 huyện đạt tiêu chí huyện/thành phố học tập
Sau 1 năm triển khai, kết quả tổng hợp số liệu của 7 tỉnh, thành phố cho thấy, chưa có tỉnh nào đạt được tiêu chí tỉnh học tập do chưa đáp ứng được các yêu cầu tiên quyết trong các chỉ báo.
Tuy nhiên, trong số 41 huyện được thực hiện thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, đã có 4 huyện (được xếp vào Mức độ 1) đã đạt được tiêu chí.
4 huyện đạt đủ tiêu chí huyện/thành phố học tập: thành phố Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); huyện Long Điền và thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ngoài ra, cũng có rất nhiều huyện đã đạt được từ 4 đến 5/6 tiêu chí và có một số tiêu chí được địa phương đánh giá là khó thực hiện và cần có sự điều chỉnh.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các địa phương đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu để có thể triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đồng thời, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn, tập huấn cụ thể về cách thức triển khai, thu thập minh chứng và có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, mẫu hóa một số hồ sơ cơ bản cũng như sớm ban hành qui định về đánh giá, công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập.
Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận ý kiến các địa phương về việc gặp khó khăn: nhận thức của cơ quan cấp ủy các cấp chưa đầy đủ; sự vào cuộc chưa đồng bộ; tìm minh chứng còn gặp khó.
Ngoài ra, cơ chế tài chính cho việc thực hiện cần sự thuyết phục, vận động từ các cơ sở ở địa phương. Bên cạnh đó, cần phải có tập huấn, văn bản hướng dẫn cũng như "cầm tay chỉ việc" để việc triển khai thí điểm bộ tiêu chí đạt được kết quả như mong muốn đã đề ra.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 6 nội dung cần triển khai trong thời gian tới thực hiện thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập và dự thảo Thông tư về đánh giá, công nhận cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Đó là: Cùng nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng huyện học tập, tỉnh học tập. Thống nhất tên dùng trong thông tư mới là "Cộng đồng học tập cấp xã, huyện, tỉnh".
Phải đặt ra mục tiêu, tiêu chí, trong đó tiêu chí phải tinh gọn, khả thi, dễ đánh giá, phù hợp với địa phương. Đối với những tiêu chí đã đặt ra trong Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng cần được duy trì, những tiêu có thể linh hoạt thì linh hoạt điều chỉnh.
Bên cạnh đó, để đạt mức khả thi trong thông tư mới, đề nghị phân chia mức công nhận làm mức 3 thay vì 2 mức như trong dự thảo thông tư hiện nay.
Ngoài ra, cùng với việc xây dựng thông tư thì cần xây dựng phương pháp đánh giá, hướng dẫn lấy minh chứng, ghi rõ lộ trình, trách nhiệm, thời gian thực hiện. Về kinh phí thực hiện, các địa phương và Sở phải tích cực tham mưu để được phê duyệt kinh phí triển khai.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị quyết tâm thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để dự kiến tháng 7 sẽ ban hành được Thông tư.