Bộ Công Thương rốt ráo gỡ 'điểm nghẽn' nguồn cung nguyên liệu

Bộ Công Thương đang rốt ráo yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng sớm gỡ khó nguồn cung nguyên liệu tại thời điểm này.

Gián đoạn nguyên liệu từ Trung Quốc - nỗi lo của nhiều quốc gia

Gần đây, Trung Quốc liên tiếp phong tỏa nhiều địa phương trọng điểm của nền kinh tế khiến cho nhiều nước trên thế giới lo lắng về nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa. Hàng đợi của các tàu container bên ngoài các cảng lớn của Trung Quốc đang kéo dài hơn từng ngày khi Covid-19 bùng phát ở các trung tâm sản xuất xuất khẩu, đe dọa mở ra một làn sóng chấn động tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu

Với tư cách là “công xưởng sản xuất” của thế giới, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với xuất khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nghiêm trọng.

Đơn cử như Hàn Quốc là quốc gia có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc, cụ thể các lĩnh vực như: Sản xuất chất bán dẫn, pin dung lượng lớn, kim loại đất hiếm và vật tư y tế. Sự phụ thuộc của 4 ngành này vào Trung Quốc là cao nhất, lớn hơn cả sự phụ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản. Năm 2020, Hàn Quốc nhập khẩu 93,3% pin dung lượng lớn, 52,7% vật tư y tế, 52,4% kim loại đất hiếm và 39,5% chất bán dẫn từ Trung Quốc.

Một nghiên cứu vào năm 2021 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc cho thấy, Hàn Quốc phụ thuộc hơn 80% vào Trung Quốc đối với 1.850 mặt hàng nhập khẩu. Trong số đó, 100% magiê, 94,7% oxit vonfram, 86,2% keo neoprene và 83,5% lithium hydroxit của Hàn Quốc được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đáng chú ý, tình trạng thiếu chip toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bộ phận kiểm soát túi khí (ACU) - một thiết bị nhận biết tai nạn và kích hoạt túi khí - do việc nhập khẩu các bộ phận từ Trung Quốc gặp trở ngại vì những đợt phong tỏa nghiêm ngặt của nước này.

Hyundai Motor “không thể mua đủ ACU kể từ ngày 18/4 và phải dừng hoạt động các dây chuyền lắp ráp cho những chiếc Genesis GV60, 70 và 80 ở nhà máy ở Ulsan”, Korea JoongAng Daily đưa tin vào ngày 25/4, trích dẫn nguồn tin từ một nhà sản xuất ô tô.

Đối với Việt Nam, cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Là doanh nghiệp dệt may tương đối lớn, trước đây mỗi tuần, Tổng công ty Việt Thắng phải nhập 3 container nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc với giá trị hơn 80 nghìn USD để sản xuất. Tuy nhiên khoảng 10 ngày trở lại đây, hàng nguyên liệu không nhập về nữa do tắc nghẽn tại một số cảng ở quốc gia này.

Lãnh đạo Tổng công ty Việt Thắng cho biết, khoảng 10 ngày nay, đối tác phía Trung Quốc không thông báo được thời hạn giao hàng chính thức cho nên một số nguyên liệu nhập từ Trung Quốc buộc phải chuyển đổi sang nguồn khác. Hiện nay, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng 30-40% tổng nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc phần lớn là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt đây cũng là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.

Do đó, việc gián đoạn nguồn cung từ thị trường này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ động thích ứng và có chiến lược phù hợp

Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.

Dự báo, dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cho biết đang tìm cách xoay sở tìm nguồn cung trong nước, đồng thời thương lượng gia hạn thời gian giao hàng với nhà nhập khẩu.

Cụ thể, với những nguyên phụ liệu có thể thay thế trong nước được các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán với đơn vị cung ứng để mua. Riêng với nguyên phụ liệu không sản xuất được doanh nghiệp phải chấp nhận chờ bởi không tìm được nguồn thay thế ngay lập tức trong thời điểm này. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đang thương lượng với đối tác để giao hàng chậm.

Hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang rốt ráo yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, vì chủ trương của nước bạn là “Zero Covid” nên doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp lúc này là sớm cơ cấu lại sản xuất, tìm nguồn cung thay thế khi nguyên liệu và thiết bị không còn nhiều. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài”- Bộ Công Thương lưu ý.

Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công Thương sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...

Đồng thời hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.

Đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh, phải có giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...

Doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cân nhắc giữa bài toán kinh tế và sự phát triển ổn định, bền vững trong đa dạng hóa và tìm thị trường nhập khẩu mới. Từ đó, chủ động giảm bớt tỷ lệ phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu”- đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu giải pháp.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-rot-rao-go-diem-nghen-nguon-cung-nguyen-lieu-177652.html