BM9 đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư khi chào sàn?

Cổ phiếu BM9 của CTCP Đầu tư Xây dựng 319 Miền Nam (UPCoM: BM9) chào sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam èo uột, sản xuất kinh doanh của BM9 không mấy khả quan.

Cổ phiếu BM9 sẽ chào sàn UPCoM vào ngày 17/7 tới

Sở GDCK Hà Nội vừa chấp thuận đưa hơn 3,7 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng 319 Miền Nam (UPCoM: BM9) vào giao dịch. Theo đó, cổ phiếu BM9 sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 17/07/2019, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.200 đồng/cp.

BM9 tiền thân là chi nhánh Công ty Xây dựng 319, sau đó được chuyển thành Công ty CP vào tháng 06/2018 do Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ. BM9 hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và khai thác đá. Kể từ khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, BM9 chưa thực hiện tăng vốn điều lệ.

Tính đến thời điểm này, BM9 có 2 cổ đông lớn, nắm giữ trên 5% vốn cổ phần là Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc Phòng (51%) và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Mỹ Á (41,42%).

Năm 2018, BM9 ghi nhận hơn 106 tỷ đồng doanh thu, giảm 68% so với năm 2017. Lãi sau thuế năm 2018 đạt 741 triệu đồng, tăng gần 60% so với năm 2017.

Năm 2019, Ban Lãnh đạo BM9 lên kế hoạch doanh thu đạt hơn 152 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2018. Đặc biệt, BM9 đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về lợi nhuận với lãi sau thuế dự kiến gần 3,7 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2018.

Theo Ban Lãnh đạo BM9, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường xây dựng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đồng thời giữ vững thị trường tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên như: TPHCM, Đắk Nông,…

Kết thúc quý 1/2019, doanh thu và lãi sau thuế của BM9 lần lượt đạt 21,7 tỷ đồng và 155 triệu đồng, tương ứng thực hiện 14% kế hoạch doanh thu và 4% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019.

Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng với giá chào bán bằng giá trị sổ sách, hoạt động không có gì nổi trội, BM9 khó thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Mặc dù vậy, triển vọng khá tích cực của ngành xây dựng nói chung cũng phần nào tăng thêm kỳ vọng vào cổ phiếu BM9 trong tương lai.

Theo nghiên cứu của BMI, Việt Nam được phân loại là một trong những thị trường cận biên đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ khi chi phí cho các công trình xây dựng cơ bản chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu Chính phủ từ năm 2015 - 2018.

Nhu cầu cho các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trải dài nhiều cấp độ, từ các cấp cơ bản như đường cao tốc, đường sắt nặng... đến các dự án có giá trị cao hơn như năng lượng tái tạo, giao thông đô thị... Cùng với đó, giá trị của xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm trên 45% giá trị toàn ngành xây dựng.

Theo Công ty Chứng khoán VDSC, lợi nhuận khi đầu tư vào xây dựng của Việt Nam được coi là cao trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này xuất phát từ sự tăng trưởng của ngành xây dựng nói chung, nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, và số lượng lớn dự án cần vốn đầu tư.

Đây được đánh giá là cơ hội cho nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung và BM9 nói riêng để vươn lên trước những "sóng gió" của thị trường trong năm 2019.

Dương Thùy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bm9-du-suc-hap-dan-nha-dau-tu-khi-chao-san-154046.html