Bình Phước công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo đó, nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S'Tiêng ở Bình Phước được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 15/5, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Phước phối hợp UBND huyện Bù Gia Mập và Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập tổ chức lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước”.

 Đan gùi thường được những người đàn ông S’Tiêng đảm trách.

Đan gùi thường được những người đàn ông S’Tiêng đảm trách.

Tham dự lễ, có ông Nguyễn Hữu Đạt - Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTT&DL tại TP HCM; đại diện lãnh đạo Bảo tàng các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và cùng nhiều nghệ nhân ở tỉnh Bình Phước.

Gùi của người S’Tiêng được đan từ cây lồ ô, và trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là chọn cây lồ ô: cây thẳng, lóng dài, không được non và không được già quá. Khi đã chọn được cây lồ ô vừa ý, thì dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng theo kích cỡ mong muốn, rồi vót trơn bề mặt mỗi nan và tẩm màu cho nan nhằm tạo hoa văn theo ý muốn rồi đan gùi.

 Gùi của người S’Tiêng được đan từ cây lồ ô.

Gùi của người S’Tiêng được đan từ cây lồ ô.

Về nguyên tắc, một chiếc gùi phải đan phần đáy trước, sau đó mới làm khung để đan thân gùi đến miệng, đan xong chiếc gùi được đưa lên gác bếp nhằm tăng độ bền.

 Nghề dệt thổ cẩm thường do phụ nữ đảm nhận.

Nghề dệt thổ cẩm thường do phụ nữ đảm nhận.

Còn nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng lại do phụ nữ làm. Dệt một tấm thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn phức tạp; trong đó, dệt là công đoạn quan trọng nhất. Khi dệt tấm thổ cẩm, khung được cột chắc vào thân người dệt, lúc này chân – lưng – tay thợ dệt phối hợp nhịp nhàng.

 Trên các tấm thổ cẩm của người S’Tiêng cũng như của đồng bào dân tộc khác, thường có nhiều màu sắc.

Trên các tấm thổ cẩm của người S’Tiêng cũng như của đồng bào dân tộc khác, thường có nhiều màu sắc.

Về màu sắc để nhuộm sợi vải chủ yếu sử dụng chất liệu từ thiên nhiên. Trên tấm vải thổ cẩm của người S’Tiêng rất xem trọng những hoa văn trang trí, như: hình người, chim, thú, hoa lá… đặc biệt, là các hình khối nho nhỏ trên tấm thổ cẩm.

Gùi của người S’Tiêng là một vật dụng không thể thiếu khi đi rẫy cũng như đi chợ.

Gùi của người S’Tiêng là một vật dụng không thể thiếu khi đi rẫy cũng như đi chợ.

Được biết, việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước” được thực hiện theo quyết định 479/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2023, quyết định 375/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024 của Bộ VHTT&DL.

Yến Thanh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/binh-phuoc-cong-bo-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1990409.html