Bình Định: Nét đẹp Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài Nhơn Hải
Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài Nhơn Hải (thành phố Quy nhơn, Bình Định) nhằm tái hiện sinh động cuộc sống lao động trên biển và tinh thần đoàn kết của ngư dân. Lễ hội không chỉ đem lại giá trị văn hóa, mà còn là chiếc cầu nối gìn giữ nhiều nét văn hóa biển đảo từ các thế hệ ngư dân vạn chài cổ truyền Nhơn Hải trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghi lễ rước thần Nam Hải.
Ngày 10/3 (nhằm ngày 11/2 âm lịch), tại làng chài xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài Nhơn Hải. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chu kỳ đánh bắt hải sản của ngư dân vạn chài của địa phương.
Lễ hội truyền thống Cầu ngư ở Nhơn Hải gắn với tục thờ cúng cá voi - loài cá thường giúp ngư dân tai qua nạn khỏi khi đi biển - ngư dân tôn kính gọi cá Ông (thần Nam Hải). Mỗi khi phát hiện cá voi chết trôi dạt vào bờ, ngư dân làm lễ tế, chôn cất trang nghiêm và thờ cúng trong Lăng Ông Nam Hải. Ngư dân tổ chức Lễ hội Cầu ngư để bày tỏ công ơn đối với cá Ông, cầu nguyện Ông phò hộ độ trì người dân làng biển quốc thái dân an, đánh bắt thủy sản được mùa bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Một nghi lễ trong Lễ hội truyền thống Cầu ngư.
Hàng năm, Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải được tổ chức trong 3 ngày của tháng 2 âm lịch (từ ngày 11 – 13). Thông thường lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày đêm với nhiều nghi thức đặc trưng của ngư dân miền biển Nhơn Hải, tích tụ qua mấy thế kỷ và lan tỏa, ảnh hưởng sâu đậm đến giá trị tinh thần của người dân miền biển, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Nhơn Hải.

Múa gươm hầu trong Lễ hội Cầu ngư.
Lễ hội bao gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức rước thần Nam Hải về lăng (nghinh thần nhập điện), tế lễ, dâng hương và đọc văn sớ mời chư thần. Các nghi thức này thể hiện lòng thành kính và biết ơn của ngư dân đối với thần Nam Hải. Phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, nhảy bao bố. Đặc biệt, các tiết mục hát bả trạo và múa gươm do chính ngư dân địa phương biểu diễn đã tạo nên không khí náo nhiệt, gắn kết cộng đồng.

Dù trời mưa nhưng Lễ hội vẫn thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Anh Đinh Văn Tuấn, ở thành phố Quy Nhơn cho biết: “Tôi là người dân Quy Nhơn, mỗi năm khi Nhơn Hải tổ chức Lễ hội truyền thống Cầu ngư tôi thường cùng vợ và các con tham dự lễ hội. Đây là một truyền thống tốt đẹp của ngư dân làng chài. Hôm nay tôi đưa các con đến đây tham dự để các con được hiểu hơn về cuộc sống của bà con ngư dân nơi đây”.
Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: “Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh công đức thần Nam Hải, cùng các vị thần linh, chư tiên linh tiền hiền, hậu hiền khai khẩn, tạo dựng cơ nghiệp vùng biển này và nguyện cầu cho đất nước thịnh trị, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản đầy khoang”.

Quang cảnh Lễ cầu ngư.
“Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn và niềm tin của ngư dân vào cuộc sống. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững”, ông Đỗ Cao Thắng cho biết thêm.
Được biết, Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài ở Nhơn Hải là một trong 22 di sản Lễ hội Cầu ngư được kiểm kê, đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể. Vừa qua, Ban Quản lý vạn chài ở xã Nhơn Hải đã tiến hành cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng ngư dân vạn chài ở xã Nhơn Hải đề nghị lập hồ sơ Lễ hội truyền thống Cầu ngư vạn chài ở xã Nhơn Hải trình cấp có thẩm quyền ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.