Bình Định: Bay flycam giám sát, ngăn trục lợi từ cao tốc Bắc - Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, sẽ xử lý hình sự các trường hợp cố tình liên kết trục lợi chính sách Nhà nước trong xây dựng cao tốc.
Suốt thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp với Hội đồng bồi thường, GPMB và tái định cư các địa phương thực hiện dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh rất dài, đi qua nhiều huyện, TP nên việc triển khai chắc chắn sẽ có khó khăn. Tuy vậy, ngay khi có chủ trương của Chính phủ, công tác GPMB được địa phương triển khai ngay.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, việc triển khai cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nên lãnh đạo tỉnh yêu cầu mỗi địa phương có cao tốc đi qua thực hiện đúng theo yêu cầu. Cơ bản sẽ đảm bảo hoàn thành các thủ tục GPMB, đáp ứng tiến độ đề ra theo các mốc thời gian đã quy định. Các địa phương đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đã triển khai các công việc liên quan.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài 118,8 km với 3 dự án thành phần gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Qua thống kê sơ bộ của các địa phương, khi triển khai, dự án sẽ có khoảng 1.169 nhà dân, hàng trăm thửa đất cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật, mồ mả, chịu ảnh hưởng. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là gần 1.300 ha (trong đó: diện tích đất thu hồi tuyến đường chính là 915,799 ha và diện tích đất thu hồi mỏ đất, bãi thải, trạm trộn là 378,24 ha).
Sở GTVT Bình Định cho biết, tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình: đất san lấp 13,66 triệu m3; cát xây dựng 1,74 triệu m3; đá xây dựng 2,948 triệu m3. Hiện nay đã có 8/8 địa phương có dự án đi qua đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, các địa phương đã lựa chọn đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính để phối hợp với chủ đầu tư, Sở GTVT tiếp nhận cọc GPMB tại hiện trường. Đợt 1 vừa qua Chủ đầu tư đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng hiện trường khoảng hơn 19,6 km/118,8 km tại 4 địa phương là thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, dự án được khởi công xây dựng nhằm hoàn thiện kết nối toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam. Do vậy, cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh tập trung tuyên truyền cho tổ chức, nhân dân, hiểu được lợi ích của dự án, từ đó tạo sự đồng thuận để triển khai dự án một cách thuận lợi nhất.
"Thứ nhất, phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng hành cùng với Nhà nước trong việc triển khai cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, phải tăng cường quản lý Nhà nước bằng hành chính, nếu xảy ra vi phạm phải xử lý ngay tại chỗ. Việc thứ ba là phải xử lý bằng pháp luật, bằng hình sự đối với các trường hợp cố tình liên kết để trục lợi chính sách của nhà nước", ông Long quyết liệt.
Theo ông Long, hiện nay Ban quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85 đã cho bay flycam toàn bộ tuyến và bàn giao cho UBND các huyện. Từ đó, UBND các huyện giao cho các xã hiện trạng khu vực có tuyến cao tốc đi qua. Khi phát hiện sai phạm như việc xây các công trình đón cao tốc nhằm trục lợi phải xử lý ngay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Sở Tư pháp chỉ đạo các văn phòng công chứng không cho phép chuyển nhượng, tách thửa, chuyển đổi đất vùng dự án. Thanh tra các sở, ngành tổ chức thường xuyên đi kiểm tra, xử lý tại chỗ vi phạm. Địa bàn nào có vi phạm, Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm. Các sở, ngành đảm bảo công tác quản lý các mỏ đá, mỏ đất đảm bảo đủ vật liệu phục vụ cho dự án.