Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật: Nhìn lại để bước tiếp

Gần đây nhất, lễ phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật (VHNT) tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất đã diễn ra, và nhận được không ít sự hưởng ứng của giới văn nghệ sĩ cũng như đông đảo Nhân dân.

Với mục đích tôn vinh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của VHNT Việt Nam trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, ghi nhận những đóng góp của họ trong việc xây dựng nền VHNT đa dạng, phong phú đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác phẩm được bình chọn được sáng tác từ tháng 5/1975 - 30/4/2024. Trong đó, ban tổ chức đưa ra con số cụ thể cho 4 thể loại. Đó là, thể loại văn học gồm tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tập thơ sẽ được lựa chọn 15 tác phẩm; sân khấu gồm kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch cũng được lựa chọn 15 tác phẩm; âm nhạc (giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, ca khúc) là 10 tác phẩm và múa (thơ múa, tổ khúc, kịch múa) là 10 tác phẩm.

Nhìn lại những thành tựu của VHNT trong nửa thế kỷ vừa qua, hiện thực đời sống tác động những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ trước những đổi thay của cuộc sống, trong đó có cả sự “biến động” những quan niệm về “thang bậc” giá trị, tiêu chí, tiêu chuẩn... Bên cạnh đó là những đòi hỏi về sự đổi mới tư duy khiến trách nhiệm của người nghệ sĩ lớn hơn nữa. 50 năm là quãng thời gian đủ để tổng kết, đánh giá và lựa chọn ra những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc; đồng thời cũng là tôn vinh con người và thời đại tạo ra tác phẩm. Từ đó, chúng ta có cơ hội nhìn lại bổn phận, kích thước, diện mạo thời đại được phản ánh qua tác phẩm VHNT để nhìn thấy hào khí của dân tộc mình.

Một tác phẩm VHNT ra đời có nhiều cách tiếp cận cũng như cách cảm thụ khác nhau, tùy theo trình độ nhận thức và nhu cầu nội tại của người tiếp nhận. Song rõ ràng, độc giả, người thưởng thức chính là thước đo chuẩn xác nhất cho giá trị của mỗi tác phẩm. Trong một rừng những tác phẩm đã xuất bản, công diễn, bình chọn ra 50 tác phẩm VHNT tiêu biểu là việc không đơn giản.

Việc phát động bình chọn là rất cần thiết và chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. VHNT không có một mẫu số chung, một barem cụ thể nào định hướng người tiếp nhận, song với tiêu chí “ưu tiên tác phẩm có đề tài về cách mạng trong thời kỳ đổi mới, ca ngợi lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ít nhiều cũng sẽ phân loại tác phẩm.

Duy chỉ một điều khá tiếc là trong 50 năm ấy, điện ảnh, mỹ thuật... đóng góp vai trò rất lớn về tuyên truyền, thưởng thức nghệ thuật và giải trí... không có trong danh sách bầu chọn đợt này. Đành rằng, các văn nghệ sĩ khi sáng tạo không xuất phát từ động cơ được vinh danh mà là đam mê, trách nhiệm và lương tri đối với cộng đồng, với thế giới xung quanh. Nhưng nếu được quan tâm, được tôn vinh thì không chỉ độc giả có thêm cơ hội tìm hiểu thưởng thức tác phẩm mà bản thân người sáng tạo cũng có những động lực, tạo năng lượng sáng tạo. Trong mái nhà chung do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hiện có 10 hội chuyên ngành. Việc bỏ đi chuyên ngành nào cũng sẽ là sự chưa bình đẳng. Hy vọng rằng ở một cuộc phát động khác, các chuyên ngành này sẽ được tôn vinh và khẳng định giá trị nghệ thuật.

Với tinh thần “Nhìn lại để bước tiếp”, tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước không chỉ là dịp tôn vinh tác giả và tác phẩm, mà hơn hết thông qua các tác phẩm VHNT tiêu biểu giới thiệu để độc giả toàn cầu hiểu về đất nước, con người, về văn hóa truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/binh-chon-50-tac-pham-van-hoc-va-nghe-thuat-nhin-lai-de-buoc-tiep-31137.htm