Biết thương cuộc đời sau những gian nan
Bị ung thư 2 lần trong 14 năm, thế nhưng, Đàm Thanh Huyền (sinh năm 1998, quê Bắc Ninh) lại lạc quan cảm ơn biến cố ấy đã giúp cô cảm thấy đủ đầy, hiểu ra điều gì quan trọng hơn ở những ngày hiện tại.
![Gia đình với tình thương lớn đã vực dậy tinh thần Đàm Thanh Huyền (áo dài, phải)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_17_51480755/35b3d5b5e7fb0ea557ea.jpg)
Gia đình với tình thương lớn đã vực dậy tinh thần Đàm Thanh Huyền (áo dài, phải)
Những cú sốc nặng nề
Năm 2009, cô bé 11 tuổi Thanh Huyền thấy đau chân nên cha mẹ chở đi khám và phát hiện mắc ung thư xương. Thế là, lẽ ra cô vào cuộc sống mới ở trường chuyên cấp 2 ở huyện, cả nhà lại đưa Huyền khăn gói lên Hà Nội điều trị. Đây là loại bệnh ung thư hiếm, chủ yếu xảy ra ở trẻ em vào tuổi ăn tuổi lớn, giai đoạn xương phát triển mạnh. Huyền nhớ lại: “Lên bệnh viện ở Hà Nội, cậu và bố vào gặp bác sĩ trưởng khoa. Thời đó chưa có nhiều phương pháp bảo toàn chi như bây giờ. Cậu mình hỏi: nếu là con gái của bác sĩ, bác sẽ quyết định thế nào? Bác sĩ nói, vẫn chọn bỏ chân, đó là phương pháp an toàn nhất lúc ấy. Gia đình rất sốc, nhưng vẫn quyết định làm theo”.
Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước và bản thân cũng chấp nhận phẫu thuật, cô bé vẫn không thể tưởng tượng được cảm giác hoảng loạn kinh khủng khi thức dậy sau ca mổ, thấy mình chỉ còn 1 chân. Quá trình điều trị kéo dài gần 1 năm, từ lúc bạn bè nô nức bước vào năm học mới ở quê nhà Bắc Ninh cũng là lúc cả nhà Huyền dắt nhau đi Hà Nội; khi được xuất viện cũng là lúc bạn bè đồng trang lứa bắt đầu nghỉ hè. 1 năm khiến cô bé từ hồn nhiên, không hiểu ung thư là gì, có lúc còn cảm thấy thích bị bệnh vì được người nhà mua quà... thành một bạn nhỏ mang nhiều tự ti, mà với Huyền, sự tự ti này trở thành 1 phần của tính cách, lặng lẽ theo cô đến khi trưởng thành.
“Tôi nhớ hoài ngày đầu đi học lại với các bạn mới, nhỏ hơn 1 tuổi. Tôi đến trường với chiếc nạng trông rất sợ. Tôi cứ đứng ngoài cổng trường gần tiếng đồng hồ, mẹ ở cạnh bên khuyên hoài, khuyên mãi, cuối cùng mẹ phải cõng mình vào lớp, tưởng tượng như cả trăm người đang nhìn nên mình cứ cúi mặt xuống đất luôn, không dám nhìn ai cả”. Phải đến năm học sau, Huyền mới bắt đầu cởi mở nói chuyện và chơi với bạn bè.
Tái khám, theo dõi thêm 2-3 năm, bác sĩ vui mừng báo “ổn quá”, vì sau 5 năm đầu không tái phát nghĩa là đã khỏi bệnh 97%. Cuộc sống dần trở về bình thường, không lo nghĩ nhiều về chuyện cũ thì… 14 năm sau, một ngày cận kề năm mới 2023, Huyền bị xác định ung thư thứ phát, di căn vào phổi. Cú sốc lần này còn nặng hơn lần đầu bởi giờ Huyền đã là cô gái 25 tuổi với những ước mơ, hoài bão, những kế hoạch cụ thể về cuộc sống. “Tâm lý khủng khiếp hơn lần đầu rất nhiều. Tôi bắt đầu hoang mang về hậu quả mình phải đối diện, cuộc sống đảo lộn, từ bỏ hết mục tiêu sống. Tôi không chấp nhận được”, Huyền kể lại.
Chữa lành nhờ tình thương
Một lần nữa, mẹ Huyền, một người nông dân, gác lại ruộng vườn lên Hà Nội chăm sóc con. Huyền vẫn đi viện theo yêu cầu nhưng tâm lý luôn chán nản, mệt mỏi và thậm chí có lúc đã bỏ cuộc. “Tôi nói với mẹ lúc ấy là bệnh nhân ung thư cần vui vẻ, nhưng cứ đi viện thì con không vui. Mẹ nặng lòng nhưng thấy tôi mãi u uất cũng không dám ép, vậy là tôi và mẹ quay về nhà ở Bắc Ninh”, Huyền kể.
Nhưng rồi quãng thời gian bên mẹ, Huyền mới lần đầu để ý mẹ không cần gì cao siêu, tiền bạc hay quần áo. Mẹ thích chăm sóc gia đình, sống đơn giản và hạnh phúc trọn vẹn với những điều dung dị xung quanh. Mẹ nói: “Con chỉ cần vui vẻ, mạnh khỏe thôi, con không cần làm gì nữa đâu, không phải kiếm tiền”. Ngày nào mẹ cũng nói, có vẻ mẹ không biết những lời đó là “phao cứu sinh” trong hoàn cảnh của Huyền. Huyền bắt đầu tập “biết đủ”. Huyền quay lại Hà Nội, chấp nhận tích cực điều trị. Phác đồ đợt này căng hơn đợt 1: thuốc “nặng” làm cháy da, bong móng, đau nhức không ngủ được; nhưng Huyền tự xác định đây chỉ là điều tạm thời trong 1-2 năm chữa bệnh, đổi lấy cả cuộc đời dài phía trước nên dần dần vượt qua.
Giờ đây, khi còn 2 tháng nữa là hoàn thành phác đồ, tâm lý đã nhẹ nhàng hơn, Huyền cho rằng cô đang trong khoảng thời gian cảm thấy đủ đầy, trọn vẹn nhất. Dù vẫn trong quá trình điều trị nhưng Huyền đã quay lại và thích nghi với công việc mới: người sáng tạo nội dung. Chia sẻ hành trình của mình, Huyền nhận được nhiều tin nhắn của những bệnh nhân ung thư, cảm ơn vì nhờ Huyền mà họ vực dậy phần nào tinh thần, có thêm hy vọng.
Huyền kể: “Nhiều bạn còn trẻ tuổi, xinh xắn cũng nhận tin ung thư, các bạn ấy rất bỡ ngỡ vì hầu như không quen ai từng như vậy. Mình chia sẻ về kinh nghiệm điều trị, cả cách chăm sóc tóc giả… vì mình hiểu rõ, trong điều trị ung thư, ngoài liệu trình, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần. Mình mong muốn câu chuyện về hành trình thay đổi và vượt qua của cá nhân sẽ giúp các bạn cùng hoàn cảnh có thêm niềm tin và các bạn cũng có thể vượt qua”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/biet-thuong-cuoc-doi-sau-nhung-gian-nan-post781937.html