Bí thư TP.HCM nói về sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu

Chiều 15.4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề).

Một trong những nội dung quan trọng hội nghị tập trung thảo luận là những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp giữa TP.HCM với hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành các bước sắp xếp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó có việc sắp xếp lại các sở ngành, cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, hài hòa giữa 3 địa phương.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề)

Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề án kết thúc đảng bộ cấp huyện, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã tại Đảng bộ TP.HCM và một số nội dung quan trọng khác.

Đây là những nội dung quan trọng, đột xuất và cấp bách. Vì vậy, các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp xây dựng hoàn thiện các phương án, đề án với chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở cho quá trình triển khai sắp tới. Trong đó, tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án, các bước tiến hành, lộ trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP.HCM.

Nội dung cần chú ý đến quy mô, số lượng, tên gọi các xã, phường, vừa bảo đảm tỷ lệ, dân số, diện tích, điều kiện và các tiêu chí, quy định, vừa phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù, yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là phù hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị thảo luận về những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp với 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành các bước sắp xếp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong đó có việc sắp xếp lại các sở ngành, cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, hài hòa giữa 3 địa phương. Cùng với đó, tập trung thảo luận những vấn đề thực tiễn cần phải xử lý liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện và tổ chức bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác khi kết thúc chính quyền cấp huyện.

Trung tâm TP.HCM - Ảnh: Thủy Long

Trung tâm TP.HCM - Ảnh: Thủy Long

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị hội nghị cho ý kiến về phương châm chỉ đạo đối với công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bố trí người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại các sở ngành, cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập, đồng thời quan tâm chính sách đối với cán bộ bị tác động khi sắp xếp.

TP.HCM rộng hơn 2.095km2, gần 10 triệu dân, là đô thị xếp loại đặc biệt, gồm TP.Thủ Đức, 21 quận, huyện với 273 phường, xã, thị trấn. Tỉnh Bình Dương rộng hơn 2.694km2, hơn 2,4 triệu người, gồm 5 thành phố và 4 huyện với 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã. Bà Rịa-Vũng Tàu rộng hơn 1.982km2, hơn 1,3 triệu người, với 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn thuộc 3 thành phố và 4 huyện. Đây là ba địa phương phát triển kinh tế, xã hội cao ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

TP.HCM mới sau sắp xếp rộng hơn 6.772km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979 % so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm hành chính - chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM; cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP.Thủ Dầu Một và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP.Bà Rịa.

Sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bi-thu-tp-hcm-noi-ve-sap-nhap-voi-tinh-binh-duong-va-ba-ria-vung-tau-231579.html