Bí quyết làm giàu tại 'vựa vải thiều' Trung Quốc

Với hơn 2.000 năm lịch sử trồng cây vải thiều, thành phố Mậu Danh - vùng trồng vải thiều lớn nhất của Trung Quốc, đã biến loại cây nông nghiệp truyền thống thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm giàu cho người dân địa phương.

Là thành phố ven biển nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Mậu Danh là một trong những vùng trồng vải thiều lớn nhất của Trung Quốc, với lịch sử hơn 2.000 năm.

Trồng vải đã là một ngành nông nghiệp quan trọng trong thời kỳ phong kiến, đến thời Đường, quả vải Mậu Danh đã trở thành vật phẩm tiến vua. Không chỉ chủng loại phong phú với hơn 40 loại vải, Mậu Danh còn là nơi bảo tồn nhiều cây vải cổ thụ có tuổi đời lên tới hàng trăm, nghìn năm.

Cổng vào Cống viên - vườn vải cổ thụ tiến vua nghìn năm tuổi.

Cổng vào Cống viên - vườn vải cổ thụ tiến vua nghìn năm tuổi.

Từ kinh nghiệm trồng vải được tích lũy qua bao đời, cộng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành vải thiều của chính quyền địa phương, cũng như ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp, Mậu Danh đã đưa quả vải từ một loại “trái cây đặc sản” trở thành một “ngành sản xuất lớn”.

Du khách chiêm ngưỡng cây vải cổ thụ nghìn năm tuổi.

Du khách chiêm ngưỡng cây vải cổ thụ nghìn năm tuổi.

Cụ thể, năm 2023, diện tích trồng của Mậu Danh là 1.426.900 mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 0,066ha), chiếm 1/2 diện tích trồng vải của tỉnh Quảng Đông, 1/4 diện tích trồng vải của Trung Quốc và 1/5 diện tích trồng vải của thế giới, sản lượng đạt 620.900 tấn. 85% người dân thành phố Mậu Danh tham gia vào chuỗi ngành vải, tạo ra giá trị 12 tỷ nhân dân tệ. Năm 2023, quả vải Mậu Danh được xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng 3.733 tấn, tăng 53,4% so cùng kỳ năm trước.

Người dân Mậu Danh thu hoạch vải thiều tại vườn.

Người dân Mậu Danh thu hoạch vải thiều tại vườn.

Những năm gần đây, ngành vải thiều ở Mậu Danh phát triển theo hướng sản xuất thương mại, trong đó tập trung vào xây dựng thương hiệu và ứng dụng khoa học-kỹ thuật.

Khi mà diện tích trồng vải chuyển từ ưu tiên mở rộng quy mô sang tập trung cho chất lượng, hơn 80% vải thiều ở Mậu Danh là vải thiều chất lượng cao, từ đó hình thành những chủng loại vải thương hiệu quốc gia để được bảo vệ và khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý.

Cây vải thiều cổ thụ có tên "24 gánh" có tuổi đời 1.300 năm tuổi ở Mậu Danh.

Cây vải thiều cổ thụ có tên "24 gánh" có tuổi đời 1.300 năm tuổi ở Mậu Danh.

Hiện nay, việc trồng vải ở Mậu Danh đã triển khai ứng dụng khoa học-kỹ thuật để hình thành vườn trồng vải kỹ thuật số, giúp tiết kiệm sức lao động, giảm tiêu hao lãng phí vật tư nông nghiệp, khi sử dụng các thiết bị giám sát số thông minh “công nghệ 5G+IoT” để thu thập thông tin thực về lượng mưa, độ ẩm, sâu hại, từ đó giúp người nông dân điều chỉnh tăng giảm nước tưới, phân bón.

Trải nghiệm vẽ tranh trong vườn vải.

Trải nghiệm vẽ tranh trong vườn vải.

Trung tâm Big Data ngành vải thiều Mậu Danh có thể gửi những số liệu liên quan tới số thuê bao di động của hơn 300.000 người trồng vải. Ngoài ra, hơn 300 điểm sơ chế, bảo quản vải tươi đã được thành lập trong toàn thành phố để bảo đảm quả vải được xử lý ngay trong 3 giờ sau khi hái, bằng công nghệ làm lạnh giữ độ tươi, tỷ lệ quả vải hư hỏng sau 20 ngày bảo quản chỉ là 0.2%.

Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu khai thác giá trị gia tăng từ quả vải khi nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu như nước ép vải, rượu vải, kem vải, nước yến vải, cà phê vải...

Các sản phẩm chế biến sâu như nước ép vải, rượu vải, kem vải, nước yến vải, cà phê vải...

Các sản phẩm chế biến sâu như nước ép vải, rượu vải, kem vải, nước yến vải, cà phê vải...

Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp quả vải Mậu Danh mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng, tăng giá trị bán hàng. Phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến cũng đã giúp giá bán cao hơn 30% so với kiểu bán hàng truyền thống, đồng thời tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng từ sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển vải tươi đi khắp nơi, kể cả từng đơn hàng nhỏ lẻ.

Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử vải thiều Mậu Danh đạt 2,34 tỷ nhân dân tệ.

Thưởng thức cà phê và kem từ vải thiều.

Thưởng thức cà phê và kem từ vải thiều.

Hiện nay, Mậu Danh đang bước vào mùa thu hoạch vải, tuy nhiên do thời tiết bất thường, như mưa nhiều ngay trước thời điểm thu hoạch, đã khiến loại vải chín sớm bị nứt vỏ, làm giảm sản lượng. Trong khi đó, loại vải chín muộn có giá trị cao hơn lại trổ ít hoa do thời tiết bất lợi tại thời điểm đơm bông kết nụ, đã khiến sản lượng vải Mậu Danh sụt giảm khoảng 60%, khiến giá vải năm nay ở Trung Quốc tăng so với năm ngoái.

Vải thiều Mậu Danh năm nay đạt sản lượng thấp do yếu tố thời tiết.

Vải thiều Mậu Danh năm nay đạt sản lượng thấp do yếu tố thời tiết.

Trên thế giới, cứ 5 cây vải thì có 1 cây được trồng ở Mậu Danh, cây vải từ một cây nông nghiệp truyền thống ở địa phương đã không chỉ trở thành ngành kinh tế đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho người nông dân, mà còn là nguồn lực để phát triển du lịch ở Mậu Danh.

Video: Khám phá vườn vải cổ thụ tiến vua nghìn năm tuổi ở Trung Quốc.

Hiện nay, thành phố này còn bảo tồn rất nhiều cây vải cổ thụ, trong đó có hơn 350 cây vải trên nghìn năm tuổi, hơn 1.000 cây hơn 500 năm tuổi, 19.400 cây vải hơn 100 tuổi, được phân bố ở nhiều vườn vải cổ, hay các điểm được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch như: Công viên - vườn vải cổ thụ tiến vua, Khu du lịch văn hóa vải Đại Đường, Bảo tàng vải Mậu Danh... Những địa điểm này mỗi năm thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch.

Du khách đi dạo trong dưới bóng cây vải thiều nghìn năm tuổi.

Du khách đi dạo trong dưới bóng cây vải thiều nghìn năm tuổi.

Để cây vải phát triển bền vững và đem lại lợi ích kinh tế ổn định hơn cho người trồng và doanh nghiệp, ngành vải Mậu Danh xác định hoàn thiện hơn nữa chuỗi ngành nghề, nhất là khâu bảo quản giữ lạnh, lai tạo các giống vải mới với chất lượng cao hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh phát triển mô hình văn hóa gắn với du lịch vùng trồng vải.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bi-quyet-lam-giau-tai-vua-vai-thieu-trung-quoc-post811150.html