Bị con nợ quỵt tiền, tôi khởi kiện ở đâu?

Người cho vay có thể gửi đơn khởi kiện người vay đến tòa án nào có thẩm quyền giải quyết là thắc mắc của nhiều bạn đọc khi rơi vào tình trạng bị con nợ quỵt tiền.

Tôi có cho một người bạn cùng quê vay hơn 2 tỉ đồng. Đến thời hạn, người này mới trả được được 1 tỉ. Tôi đã đòi nhiều lần đòi nhưng lấn khất tới khất lui. Tôi tìm đến tận nhà để đòi nhưng không trả, cứ lẩn tránh.

Bây giờ tôi muốn khởi kiện người này ra tòa để đòi nợ. Chúng tôi lập hợp đồng vay ở TP.HCM, người này có nơi thường trú ở Buôn Mê Thuột, tỉnh ĐắK Lắk. Tôi xin hỏi, bây giờ tôi muốn khởi kiện đòi nợ thì tôi khởi kiện ở đâu?

Bạn đọc Hoàng Yến (TP THủ Đức, TP.HCM) hỏi.

Luật sư Cao Ngọc Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429, bộ luật Dân sự 2015).

Khi khởi kiện bạn cần lưu ý xem có còn thời hiệu khởi kiện hay không. Nếu không còn thời hiệu khởi kiện bạn sẽ không được tòa giải quyết về tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Do đó, bạn có thể khởi kiện người vay yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.

Về thẩm quyền của tòa thì theo điểm a khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật này, tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Như vậy, nếu bạn muốn khởi kiện đòi nợ thì có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND cấp huyện nơi người vay cư trú hoặc làm việc. Theo Luật Cư trú 2020, nơi cư trú là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Khi bạn khởi kiện, bạn phải nộp các giấy tờ chứng minh về nơi cứ trú và nơi làm việc của người này.

PHẠM TUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-con-no-quyt-tien-toi-khoi-kien-o-dau-post792067.html