Bí ẩn lâu đài cổ chống động đất hiệu quả
Dù đã trải qua 500 năm và không biết bao nhiêu đợt động đất, lâu đài Naggar được xây dựng theo phong cách kath kuni vẫn đứng sừng sững.
Ngày 4/4/1905, Thung lũng Kangra thuộc bang Himachal Pradesh (Ấn Độ) nằm trên dãy Himalaya xảy ra động đất rung chấn 7,8 độ richter. Toàn bộ các ngôi nhà của 3 thị trấn, Kangra, Mcleodganj và Dharamshala, bị đổ nát, trừ các công trình kiến trúc cổ xưa kath kuni.
Thách thức động đất
Niềm tự hào của người Ấn Độ trên dãy Himalaya là lâu đài Naggar, cung điện của các vua Kullu được xây dựng theo phong cách kath kuni. Dù đã trải qua 500 năm và không biết bao nhiêu đợt động đất, bao gồm cả chấn động trầm trọng năm 1905, nó vẫn đứng sừng sững.
Vị trí tọa lạc của lâu đài Naggar là trấn cổ cùng tên, cao 1.800m so với mực nước biển. Thời trung đại, trấn cổ này chính là kinh đô của Kullu. Theo sử sách Ấn Độ, lâu đài Naggar do vua Raja Sidh Singh hạ lệnh khởi công vào khoảng năm 1460. Dưới chiếu chỉ của nhà vua, người dân đã đứng xếp hàng trên 2 bờ sông Beas, chuyển đá lên đồi lấy vật liệu xây lâu đài.
Ngoài đá, vật liệu xây dựng lâu đài Naggar chỉ còn gỗ tuyết tùng. Từ hàng ngàn năm về trước, người Ấn Độ trên dãy Himalaya đã sáng tạo ra kiến trúc kath kuni phù hợp với tài nguyên và điều kiện địa chất địa phương. Chỉ với đá và gỗ, họ khéo léo làm nên các ngôi nhà 2, 3 tầng, thậm chí 6, 7 tầng mà không cần đến vữa.
Đặc trưng của kath kuni là tầng trên cùng rộng hơn các tầng dưới. Nhìn bề ngoài, nó khá nặng nề, cảm giác chỉ gió thổi cũng đủ gây lung lay, nhưng lại là kiến trúc bất chấp động đất.
Ngoài lâu đài Naggar, trấn cổ Naggar còn một số nhà cổ kath kuni. Chúng nhỏ và đơn sơ hơn, nhưng không thua kém về khả năng đối phó động đất.
Lỏng lẻo mà lại chắc
Kath kuni là từ Phạn ghép, kết hợp giữa kath (gỗ) và kuni (góc). Loại gỗ thường được sử dụng nhất là tuyết tùng, nổi tiếng “bền thiên niên”.
Phương pháp xây dựng kath kuni rất đơn giản, chỉ bao gồm đào móng, xếp xen kẽ lớp đá với lớp gỗ làm tường. Ở dưới thấp, người ta xếp nhiều lớp đá rồi mới kê một lớp gỗ. Càng lên cao, số lượng lớp đá càng giảm, còn số lượng lớp gỗ lại tăng.
Bên trong kath kuni, người ta dùng bùn trát tường (tránh gió lọt) và dùng ván làm sàn. Kath kuni điển hình có 3 tầng, tầng trệt là không gian cho vật nuôi, tầng 2 là kho (dự trữ lương thực, cất đặt vật dụng) và tầng 3 dành cho người ở.
Cửa chính và cửa sổ kath kuni tương đối nhỏ, khung bằng gỗ, rất nặng. Mái kath kuni thì lợp bằng đá phiến. “Hãy nhìn vào phần góc của bất cứ kath kuni nào, bạn liền thấy các đầu thanh gỗ xếp chéo như được đan vào nhau.
Vì các phiến đá và gỗ không khớp hoàn toàn, nên người ta nhặt đá vụn và cỏ khô, nhét vào các khe hở. Nhìn bề ngoài, kath kuni khá lỏng lẻo nhưng chính sự lỏng lẻo này lại cho phép khối kiến trúc linh hoạt tối đa. Khi động đất xảy ra, kath kuni nương theo địa chấn mà xê dịch và không bị đổ”, Tedhi Singh, thợ xây kath kuni giải thích.
Ngoài tính năng chống động đất, kath kuni còn thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tường của nó có tác dụng điều nhiệt, giúp giữ ấm vào mùa Đông và làm mát vào mùa Hè.
Tầng trên cùng dành cho người ở vừa thoáng đãng vừa đón được nhiều nắng. Tầng giữa không chỉ giúp trữ đồ, còn ngăn cách không gian giữa người và vật nuôi. Tầng trệt có gia súc ở thì như “lò sưởi tự nhiên”, làm ấm các tầng bên trên.
“Chúng tôi sống dựa vào chăn thả gia súc. Kath kuni là kiến trúc tiện ích nhất cho lối sống này. Nhờ nó, chúng tôi vừa bảo vệ được vật nuôi, vừa tiện vắt sữa trong lúc thời tiết khắc nghiệt”, Mohini, cư dân trong trấn cổ Naggar nói.
Nỗ lực bảo tồn
Tuy rất tiện ích nhưng, kath kuni cực kỳ tốn công xây dựng. Việc tìm đủ đá và vận chuyển tới nơi cất nhà không chỉ tốn kém thời gian, mà còn đòi hỏi nhân lực. Chưa hết, Himachal Pradesh đang ngày một hiếm gỗ tuyết tùng.
Theo quy định của Luật Bảo vệ rừng áp dụng từ năm 2006, mỗi hộ dân ở đây chỉ được phép chặt 1 cây sau mỗi 10 năm.
Từ lâu, chính quyền bang Himachal Pradesh đã gặp khó khăn trong vấn đề bảo tồn kath kuni. “Sau vụ động đất kinh hoàng năm 1905, người dân càng ngại xây nhà bằng gạch và xi măng. Tuy nhiên, vì điều kiện tài nguyên và tài chính không cho phép, họ không còn lựa chọn nào khác”, nhà khảo cổ Sonali Gupta (Ấn Độ) phản ánh.
Ngày nay, cả bang Himachal Pradesh chỉ còn làng Chehni có toàn bộ nhà là kath kuni. Trong thời đại “bê tông hóa” này, không ít người lo ngại, ngay cả Chehni cũng sẽ biến đổi. “Tôi sẽ dạy con gái mình cách giữ gìn kath kuni. Bởi vì tôi biết, một khi ngôi nhà này mất đi, nó sẽ không còn được xây dựng lại nữa”, chị Mohini chia sẻ.
Hiện, các tổ chức địa phương ở bang Himachal Pradesh đang nỗ lực khuyến khích và trợ giúp người dân sửa sang, duy trì kath kuni. Họ thử nghiệm một số sáng kiến mới như thay thế gỗ tuyết tùng bằng tre, biến kath kuni thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch…
“Động đất còn đến và đi, nhưng kath kuni sẽ mãi vững chãi”, chị Mohini khẳng định. Chính quyền bang Himachal Pradesh kỳ vọng ngày càng có nhiều người dân yêu mến và mong muốn duy trì kath kuni như Mohini, để kiến trúc này thoát khỏi nguy cơ bị suy thoái và biến mất vĩnh viễn.
Theo BBC
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-an-lau-dai-co-chong-dong-dat-hieu-qua-post628366.html