BHXH tự nguyện: Đột phá trong phát triển đối tượng tham gia
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, tốc độ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục khẳng định bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Trụ cột của hệ thống an sinh xã hội
Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII ban hành riêng một Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đó là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Với chủ trương đó, nghị quyết đặt mục tiêu: Đến năm 2021, đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%; đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.
Để lộ trình hóa mục tiêu Nghị quyết đề ra, ngày 3/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và ngày 8/10/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm đến chính sách BHXH, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Sau 2 năm bắt tay đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 28, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2019, số người tham gia BHXH đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 574 ngàn người.
Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2017 (trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW) là 224 ngàn người, tăng hơn 20.300 người, tương ứng tỷ lệ tăng 10% so với năm 2016. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 là trên 277 ngàn người, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017; và năm 2019 là gần 574 ngàn người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Nới lỏng điều kiện, khuyến khích người tham gia
Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng tốc độ tăng trưởng người tham gia BHXH tự nguyện được đánh giá là hết sức tích cực. Góp phần cho thành quả này, theo BHXH Việt Nam, là nhờ chính sách hết sức linh hoạt. Trong đó, quy định không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; đa dạng, linh hoạt các phương thức đóng; nới rộng thời điểm đóng, cụ thể, nếu như trước đây đóng trong nửa đầu của thời gian ứng với phương thức đóng thì hiện nay nới rộng đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện phù hợp hơn, như thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) so với trước đây (trước năm 2016) thì mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở; Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, về thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển đối tượng tham gia BHXH. Nhiều địa phương đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến cấp huyện và cấp xã. Công tác tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp thông qua hội nghị khách hàng và áp dụng phương thức tuyên truyền mới qua mạng xã hội.
Đặc biệt, thủ tục hành chính luôn được rà soát, tinh giản, rút gọn; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia. Sự vào cuộc của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức hội nghị trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện. Hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, đến nay có trên 12.400 đại lý thu, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách vẫn còn nhiều tồn tại, như: Mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp; thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài; sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền chưa quyết liệt. Đặc biệt, chưa có địa phương nào bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; thu nhập của nhiều người dân, người lao động khu vực phi chính thức còn thấp, bấp bênh; vẫn còn nhiều người dân chưa thay đổi nhận thức đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, nên còn thiếu quan tâm, chưa tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Nhằm hóa giải những khó khăn, tăng cường thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, tới đây sẽ thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra; sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động...