'Bếp từ thiện nhà B': Nửa đêm vẫn có cụ già gõ cửa, cầm chai nước mắm và 5kg gạo ủng hộ...

Cư dân sống tại nhà B, lô C-D chung cư Bình Khánh (quận 2, TP. HCM) hằng ngày nấu hơn 300 suất cơm gửi đến bệnh viện dã chiến khắp địa bàn TP. HCM.

Hơn 1 tháng qua, cư dân sống tại nhà B, lô C-D chung cư Bình Khánh (quận 2, TP. HCM) hằng ngày tất bật chuẩn bị hơn 300 suất cơm, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện dã chiến, người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư, sinh viên không thể về quê trên địa bàn TP. HCM.

Bếp từ thiện nhà B hoạt động tính chất tự nguyện, không cố định thành viên, hễ có ai rảnh thì tới, bận thì hẹn hôm sau xuống phụ

Cứ đúng 8h sáng mỗi ngày, các thành viên của bếp từ thiện nhà B bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu, nhu yếu phẩm, nấu các phần cơm để 11h đem giao đến các bệnh viện dã chiến.

Đến 13h, các thành viên tiếp tục nấu, bất kể mưa hay nắng, đúng 16h30 sẽ dùng xe bán tải chở đi để các bệnh nhân kịp ăn tối. Được biết, hiện tại nhóm có 5 xe bán tải và một số xe ô tô của cư dân chung cư, thay phiên nhau vận chuyển khắp các quận ở TP. HCM.

Sau khi chuẩn bị xong các phần cơm, nhu yếu phẩm, nhóm sẽ chất lên xe bán tải, ô tô để phân phát các điểm khắp địa bàn TP. HCM

Anh Trần Thiên Trường (trưởng nhóm bếp từ thiện nhà B) chia sẻ, trước đó bản thân anh và một số cư dân ở chung cư biết tin sắp mở bệnh viện dã chiến gần khu mình đang sống. Anh liền đăng tải lên nhóm Facebook của nhà B chung cư nhằm kêu gọi lập quỹ chung dùng hỗ trợ bệnh viện dã chiến.

Nhóm tự trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang… để bảo đảm an toàn

“Ngay khi đăng tải thì tối hôm đó cư dân đã gửi tiền vào quỹ, mỗi người đóng góp một chút. Thời gian đầu khá khó khăn vì thiếu kinh phí, chúng tôi tận dụng hết mọi thứ chúng tôi có. Tôi vận động bà con trong chung cư cho mượn nồi, niêu, xoong, chảo… Chúng tôi bắt đầu xin phép lực lượng chức năng, liên hệ với lãnh đạo bệnh viện để xác định chính xác phần cơm sẽ đưa đến. Qua ngày hôm sau là bắt tay vào làm luôn”, anh Trường nói.

Ngoài việc phát cơm cho bệnh viện dã chiến, nhóm còn phân phát đến các hộ dân gặp khó khăn, người vô gia cư, sinh viên

Nhóm hoạt động với tính chất tự nguyện, không cố định thành viên, hễ có ai rảnh thì tới, bận thì hẹn hôm sau xuống phụ. Thời gian đầu, nhóm chỉ hoạt động trong khuôn khổ nhà B, nhưng sau đó dự án đã lan tỏa, mở rộng. Nhiều mạnh thường quân trên khắp đất nước biết đến nhóm, ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để nhóm phân phát.

“Bếp từ thiện nhà B là đội thiện nguyện tập trung gần hết các cư dân sống ở nhà B của chung cư, ai cũng góp một ít công sức. Tuy nhiên khi tập trung nấu, chúng tôi cũng giới hạn số người, không để tập trung quá đông để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, anh Trường nói thêm.

Mỗi thành viên trong nhóm chia việc, thay phiên hoàn thành kịp giờ giao

Theo trưởng nhóm bếp từ thiện nhà B, những ngày đầu đi phát, nhóm được lực lượng của phường hỗ trợ dẫn đường. Nhưng dần về sau, nhóm chủ động di chuyển, do đi lại hằng ngày nên tại các chốt chặn, nhóm cũng được lực lượng trực chốt hỗ trợ.

“Trong quá trình hoạt động, nhóm đã gặp không ít khó khăn về kinh phí. Thời gian ấy, đùng một phát chung cư bị phong tỏa do phát hiện có ca F0, khiến mọi thứ khó khăn hơn. Lúc đó các thành viên trong nhóm đã ngủ lại tại nơi tập trung của bếp ăn luôn, vì nếu về nhà thì sẽ không được ra nữa. Chúng tôi tự mắc lều, chăn, nệm để mọi người ngủ lại”, anh Trường nói.

Các thành viên trong nhóm có người là giám đốc, kỹ sư… nay hóa thành “phụ bếp” để hỗ trợ bếp ăn từ thiện

Sau sự việc đó, nhóm rất cẩn thận trong việc kiểm tra sức khỏe cho các thành viên. Anh Trường đã liên hệ với lãnh đạo phường, đề xuất cho nhóm được test Covid-19 mỗi tuần. Được biết, thời gian gần đây, nhóm cũng đã tự trang bị bộ test nhanh Covid-19 và tự kiểm tra hằng tuần, hạn chế nhân sự ngoài chung cư vào để dễ kiểm soát. Ngoài ra, nhóm cũng tự trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, nước diệt khuẩn để bảo đảm an toàn.

“Thời gian đó thời tiết cũng xấu, mưa rất to khiến mái che của nhóm sập đến 2 lần. Mặc dù hơi cực một chút nhưng vì đồng lòng với nhau nên rất vui”, anh Trường cười nói.

Anh Trường và một số tài xế sẽ đại diện nhóm trực tiếp vận chuyển các phần cơm, nhu yếu phẩm đến bệnh viện

Anh chia sẻ, có nhiều trường hợp khiến nhóm rất xúc động. Vì mới hoạt động nên kinh phí và lương thực không nhiều, nhưng đôi khi, có nhiều cô, bác ở quê gửi lên ủng hộ nhóm, dù chỉ 1 bó rau hay 1 nắm đậu.

“Thật ra số lượng ấy không đủ để nấu hàng trăm suất ăn. Nhưng chúng tôi rất xúc động vì họ gói bó rau, gạo, đậu…rất kỹ. Mấy hôm trước, nửa đêm rồi nhưng có một cụ già cầm 5kg gạo và 1 chai nước mắm xuống gõ cửa, xin gửi ủng hộ cho bếp. Chúng tôi cũng có tiếp xúc nhiều trường hợp rất khó khăn. Có gia đình bố mẹ đi cách ly, chỉ còn hai đứa bé ở nhà. Địa phương có liên hệ chúng tôi hỗ trợ phần ăn cho hai cháu hằng ngày để giúp hai cháu vượt qua thời điểm khó khăn này”, anh Trường nhớ lại.

Bài: Thúy Vy; Ảnh: Bếp từ thiện nhà B

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bep-tu-thien-nha-b-nua-dem-van-co-cu-gia-go-cua-cam-chai-nuoc-mam-va-5kg-gao-ung-ho-post149346.html