Bệnh nhân mắc cúm A ở Quảng Ninh tăng cao bất thường
Theo bác sĩ Thanh Hoa, nguyên nhân dịch cúm A bùng phát thời điểm này là người dân chủ quan việc thực hiện 5K, đi du lịch nhiều, giao thương, dẫn tới tốc độ lây lan tăng.
Các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, cho biết số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với thời điểm cùng kỳ, khoảng 20-30 trường hợp đang nằm điều trị.
Chị Nguyễn Thị Ánh Chi (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: "Trước khi vào viện, tôi có triệu chứng ho, sốt cao từ nhẹ đến nặng. Đầu tiên, tôi sốt khoảng 38 độ C, sau đó sốt trên 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, tự test covid-19 tại kết quả âm tính. Tôi nhập Bệnh viện Bãi Cháy với tình trạng cấp cứu. Tại bệnh viện, tôi được test cúm A và Covid-19, được bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A. Sau 4 ngày điều trị, bệnh thuyên giảm nhiều, cắt sốt".
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Thanh Hoa, khoa Bệnh nhiệt đới, đánh giá đa số các bệnh nhân nhập viện do cúm sốt cao, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi ho, viêm phổi… Nguyên nhân tình hình dịch cúm A bùng phát thời điểm này là người dân chủ quan việc thực hiện 5K, đi du lịch nhiều, dẫn tới tốc độ lây lan tăng.
"Ngoài vấn đề cúm A, chúng tôi rất lo ngại dịch Covid-19 bùng phát. Các bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp, sốt ho, hắt hơi sổ mũi có thể khám tại bệnh viện. Bệnh nhân triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà theo đơn kê của bác sĩ. Dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp y tế như sốt cao có co giật, đau đầu dữ dội, mệt mỏi nhiều chúng tôi sẽ cho nhập viện", bác sĩ Hoa nói.
Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc cúm A thời điểm này. Khoa Nhi ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến khoảng 20 bệnh nhi. Triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm như sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.
Bác sĩ Hà Thị Duyên, khoa Nhi, khuyến cáo để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm cho con trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3,4,9,10 trong năm). Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn, bé cần phải nhập viện điều trị. Cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.
Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt đối với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân cúm tăng bất thường, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.
Bạn nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.