Bệnh cúm có dấu hiệu gia tăng, Bộ Y tế kêu gọi địa phương giám sát chặt
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh cúm.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách như:
Đẩy mạnh công tác tiêm chủng, rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine cho các nhóm chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường miễn dịch cộng đồng.
Khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm và tiêm vaccine có thành phần sởi, rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, “theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm, sởi và các bệnh đường hô hấp cấp tính”, văn bản của Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ cũng đề nghị các địa phương giám sát nghiêm ngặt các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.
![Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người bệnh nghi cúm. (Ảnh: N.Loan)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_83_51426773/497536be0cf0e5aebce1.jpg)
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người bệnh nghi cúm. (Ảnh: N.Loan)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, trong khi các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối năm 2024, đặc biệt tại khu vực Bắc bán cầu.
Tại Việt Nam, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 12/2024 nhưng vẫn có sự gia tăng tại một số địa phương.
Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi.
Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mãn tính thường có diễn biến nặng hơn.
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Trong đó, số ca mắc cúm A chiếm tỷ lệ cao.