Bay lên cùng dân tộc trong kỷ nguyên mới!
Lấy cảm hứng từ câu thơ 'Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân' trong bài thơ 'Dáng đứng Việt Nam' của nhà giáo - nhà thơ Lê Anh Xuân, Ngày thơ Việt Nam (lần thứ 23) năm 2025 với chủ đề 'Tổ quốc bay lên' đã diễn ra ngày 12/2 (Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại TP Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) - nơi được đánh giá 'chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan có một không hai của Việt Nam'.
Đêm thơ "Tổ quốc bay lên" có sự tham gia của các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, thế hệ sau ngày thống nhất đất nước (1975) đến những năm đầu Đổi mới và các nhà thơ trẻ. Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần này còn có thêm một hoạt động rất được công chúng chú ý, đó là tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ". Tại tọa đàm này, các thế hệ cầm bút đã trao đổi về khát vọng khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật thơ ca mới, trách nhiệm với đất nước, dân tộc và nhân loại của nhà thơ...
![Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_16_285_51488773/20215ed672989bc6c289.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ngày thơ Việt Nam 2025 lấy chủ đề “Bài ca thống nhất” đánh dấu nửa thế kỷ non sông liền một dải. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân, đây là dịp để nhìn lại dòng chảy thi ca của thành phố trong suốt 50 năm qua và điểm danh thế hệ nhà thơ tiếp nối con đường sáng tạo. Ngoài những nội dung phong phú khác, chương trình còn có điểm nhấn là tọa đàm với nội dung “Vần điệu thi ca dưới mái trường”, nhằm kết nối độc giả học sinh với các tác giả có tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa.
Cũng như nhiều năm trước, nhiều hoạt động sôi động đã diễn ra trong Ngày thơ năm 2025 ở các địa phương trong cả nước, tạo nên một khí thế mới ngay sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Như vậy, sau lần đầu tiên được tổ chức vào xuân Quý Mùi (2003), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày thơ Việt Nam qua 23 lần tổ chức đã khẳng định được đây là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, cũng là dịp để các nhà thơ nhìn lại chức trách của mình với độc giả, mà rộng hơn nữa là với nhân dân, với Tổ quốc.
Trên các kênh thông tin, không chỉ các nhà thơ, mà cả những người yêu thơ cũng đã bày tỏ cảm nhận việc chọn chủ đề "Tổ quốc bay lên" cho Ngày thơ năm nay là phù hợp thực tiễn của đất nước khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang nỗ lực đoàn kết, thực hiện nhiều chương trình đột phá, để năm 2025 thực sự trở thành năm bản lề của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển. Đặc biệt nữa, Ngày thơ được tổ chức trong bối cảnh cả nước vừa long trọng kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm đất nước thống nhất.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là hành trình tiếp nối của những cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại và nay là công cuộc phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong hành trình ấy, có một thứ “khí giới thanh cao mà đắc lực”, được ví “có sức mạnh hơn mười vạn quân”, đó chính là văn học nghệ thuật. Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung, các nhà thơ Việt Nam nói riêng, đã thực sự là những “chiến sĩ văn hóa” trên mọi mặt trận.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, một chiến sĩ văn hóa, một nhà văn hóa kiệt xuất, đã khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, trước hết là công, nông, binh”. Người cũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước rất quý trọng đội ngũ văn nghệ sĩ; đồng thời quan tâm, cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong tất cả các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, chúng ta đã có nhiều văn nghệ sĩ trực tiếp tham gia và trưởng thành từ thực tiễn. Chính thực tiễn sinh động của đất nước đã ươm mầm cảm xúc sáng tác, từ đó hình thành nên những thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng hùng hậu, đóng góp lớn lao vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm của họ đã tạo nên những dòng chảy, như mạch nguồn lan tỏa vào đời sống, thúc giục quân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau đoàn kết xây dựng cơ đồ.
Trong dòng cảm xúc của năm bản lề đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công chúng kỳ vọng các nhà thơ Việt Nam sẽ đồng hành cùng vận hội mới của dân tộc, để có nhiều thi phẩm khắc họa thành công “Dáng đứng Việt Nam” của thời đại Hồ Chí Minh nay tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong thời đại mới.