'Báu vật xanh' ở Quang Húc
Không ai biết chính xác những cây cổ thụ sừng sững trên miền đất Quang Húc đã tồn tại tự bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng đã bám sâu vào tâm thức mỗi người dân nơi đây, trở thành một phần không thể tách rời với xóm làng. Qua bao thăng trầm, những gốc cổ thụ ấy vẫn hiên ngang đứng vững, chở che và chứng kiến những đổi thay của mảnh đất phía Tây huyện Tam Nông.
![“Cụ” thị nghìn năm tuổi tại khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông được công nhận là Cây di sản năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_444_51430510/a853af6995277c792536.jpg)
“Cụ” thị nghìn năm tuổi tại khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông được công nhận là Cây di sản năm 2024.
“Cụ” thị nghìn năm tuổi
Quang Húc là miền đất cổ, nơi còn lưu giữ nhiều trầm tích lịch sử. Không chỉ tự hào với di chỉ khảo cổ Đồng Ba Trăm thuộc thời hậu đồ đá mới, hay các di tích đình Quang Húc, chùa Khánh Linh, đền Thượng Sơn, miếu thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng..., vùng đất này còn sở hữu hệ thống cây di sản đồ sộ - như những chứng nhân lặng lẽ của thời gian.
Toàn xã có 6 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, trong đó, phải kể đến “cụ” thị nghìn năm tuổi tại đình Hạ - nơi thờ danh tướng Trung Sơn Đại Vương thời Hùng Vương (nay là trụ sở UBND xã). Giữa vòm trời rộng lớn, “cụ” thị cao 20m, chu vi thân tới 9,5m, rễ cắm sâu vào lòng đất. Giữa vòm trời rộng lớn, cây thị tán lá xanh um tỏa bóng mát rợp cả đoạn đường làng, rễ cây xù xì ôm chặt lấy đất mẹ, thân cây vạm vỡ như thách thức, trường tồn cùng thời gian... Không ai nhớ nổi “cụ” thị có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ thuở ấu thơ đến khi tóc đã điểm sương, người dân Quang Húc vẫn thấy bóng cây sừng sững giữa đất trời, chở che cho bao thế hệ.
Mỗi độ Thu sang, những chùm quả vàng ươm lại tỏa hương ngọt ngào. Trẻ con trong làng háo hức nhặt từng trái, nâng niu như món quà quý, còn người già lại nhìn cây mà nhớ về những tháng năm xưa cũ. Giữa bao đổi thay, “cụ” thị vẫn vững vàng như một phần tâm hồn của làng quê, như một sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, truyền đi hơi thở của lịch sử cho những thế hệ mai sau. Không chỉ mang giá trị sinh thái, cây còn là chứng nhân lịch sử của những ngày tháng đấu tranh gian khổ của quê hương.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái đầu đã điểm bạc, ông Nguyễn Văn Trường ánh mắt xa xăm như ngược dòng quá khứ, bồi hồi kể: “Cây thị cổ có năm tuổi kéo dài cả thiên niên kỷ, được Nhân dân trong xã tôn quý gọi là “cụ” thị. Từ đời cha ông, cây thị này đã đứng đây, vững chãi qua bao mùa mưa nắng. Trong kháng chiến, bộ đội, du kích từng dừng chân dưới gốc cây này, tựa lưng nghỉ ngơi trước khi tiến lên các chiến khu Vạn Thắng (Đồng Lương, Cẩm Khê), chiến khu Vần (Hiền Lương, Hạ Hòa) hay Phục Cổ (Minh Hòa, Yên Lập). Dưới tán cây, những cuộc họp bí mật diễn ra, những kế hoạch tác chiến được bàn bạc, rồi từ đây, bao người lính trẻ lên đường...”.
Trải bao biến thiên, từng có lúc thân cây gãy đổ, tưởng như không thể hồi sinh, nhưng bằng sự chăm sóc tận tình của chính quyền và người dân trong xã, “cụ” thị lại vươn mình trỗi dậy, đâm hoa kết trái, như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của đất và người nơi đây.
![Không chỉ tài sản vô giá, cây đại thụ còn là vật chứng lịch sử ghi dấu từng bước chuyển mình trên đất quê hương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_444_51430510/1d8e18b422facba492eb.jpg)
Không chỉ tài sản vô giá, cây đại thụ còn là vật chứng lịch sử ghi dấu từng bước chuyển mình trên đất quê hương.
Niềm tự hào của hậu thế
Dưới bóng cây cổ thụ, những câu chuyện xưa cũ vẫn còn văng vẳng như lời thì thầm của quá khứ, hòa vào từng cơn gió thổi qua vùng đất Quang Húc. 6 cây di sản - những vệ thần xanh của làng quê vẫn vững chãi giữa đất trời, không chỉ là vật chứng lịch sử mà còn là linh hồn của làng, sợi dây vô hình nối liền quá khứ với hiện tại, gợi nhắc hậu thế về cội nguồn thiêng liêng.
Tán thị nghìn năm vẫn tỏa bóng mát rượi nơi sân đình, như vòng tay chở che cho bao lớp người từng sinh ra, lớn lên và già đi trên mảnh đất này. Cùng với “cụ” thị nghìn năm, Quang Húc còn sở hữu cây sanh trên 100 tuổi tại miếu Nhà Bà (miếu Quế Hoa) và 4 cây đa 300 tuổi tại các khu 3, 6, khu 8. Những cây di sản này tựa “vệ thần xanh” của làng sừng sững giữa đất trời, thân cây xù xì, rễ bám chặt vào lòng đất, từng tán lá xòe rộng, che mưa chắn nắng, như cách mà lớp người Quang Húc xưa vẫn bao bọc, đùm bọc nhau trong những năm tháng gian khó.
Năm 2024, một sự kiện trọng đại đã diễn ra, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình gìn giữ những giá trị thiên nhiên và văn hóa của quê hương: Xã Quang Húc vinh dự đón nhận Quyết định công nhận 6 cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về trách nhiệm bảo vệ những di sản xanh mà cha ông để lại.
Đồng chí Nguyễn Hồng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Húc khẳng định: “Việc công nhận Cây Di sản Việt Nam không chỉ mang giá trị bảo tồn mà còn là sự tôn vinh những di sản sống của quê hương. Đây là báu vật mà tiền nhân để lại, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, vinh danh thêm những cây cổ thụ đủ điều kiện”.
Thời gian trôi đi, vạn vật đều thay đổi, nhưng những bóng cổ thụ vẫn lặng lẽ đứng đó, vươn cao trong gió trời. Dưới tán cây di sản, những lớp người sẽ nối tiếp trưởng thành, sẽ có lớp người được sinh ra và cũng có những lớp người nằm xuống, nhưng những bóng cổ thụ vẫn đó vẫn vững chãi đứng đây, lặng thầm chứng kiến từng bước chuyển mình của quê hương. Trong tâm khảm mỗi người con Quang Húc giờ đây luôn khắc sâu hình ảnh quê hương với những bóng cây di sản tỏa bóng và thầm nhủ phải trân quý, bảo vệ, giữ gìn thật tốt những báu vật xanh này, bởi đó không chỉ là tài sản vô giá của người dân Quang Húc, mà còn là linh hồn của làng quê, là niềm tự hào của hậu thế!.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bau-vat-xanh-o-quang-huc-227575.htm