Bắt buộc tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây dựng cũng phải dán nhãn

Sáng 18-7, tại Hà Nội, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công phối hợp cùng Báo Công Thương (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Đặng Hải Dũng phát biểu

Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Đặng Hải Dũng phát biểu

Tại hội nghị, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công nhấn mạnh: tiết kiệm điện là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh bất ổn nguồn cung toàn cầu, không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ cần hơn 3.000 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng/năm, cả nước có thể giảm khoảng 1,6 tỷ kWh điện, tương đương 3.200 tỷ đồng chi phí điện năng mỗi năm.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, thông tin: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có hiệu lực từ 1-1-2026) đã chuyển từ hình thức khuyến khích sang bắt buộc áp dụng, trong đó mở rộng đối tượng dán nhãn năng lượng bắt buộc không chỉ với thiết bị điện mà còn áp dụng cho vật liệu xây dựng như gạch, kính trước khi đưa ra thị trường.

 Chủ tịch Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Nguyễn Đình Hiệp chia sẻ thông tin. Ảnh: PHÚC HẬU

Chủ tịch Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Nguyễn Đình Hiệp chia sẻ thông tin. Ảnh: PHÚC HẬU

Nhấn mạnh thêm khía cạnh này, ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành định mức sử dụng năng lượng đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, các tổ chức dịch vụ năng lượng (ESCO) sẽ được công nhận và hỗ trợ phát triển để triển khai các hợp đồng tiết kiệm năng lượng hiệu quả tại doanh nghiệp.

Hiện Bộ Công thương đã triển khai dán nhãn năng lượng cho 19 nhóm sản phẩm, với hơn 20.000 sản phẩm đã được dán nhãn lưu hành trên thị trường. Việc loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt và nâng hiệu suất sử dụng điều hòa không khí đã giúp tiết kiệm hơn 100 triệu kWh điện mỗi năm.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: PHÚC HẬU

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: PHÚC HẬU

Cũng theo ông Hiệp, luật mới cho phép thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – một quỹ tài chính ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ vay vốn, tài trợ linh hoạt cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

 TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, chia sẻ thông tin

TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, chia sẻ thông tin

Liên quan việc cho phép các tổ chức dịch vụ năng lượng (ESCO) hoạt động, TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, đây là hướng đi thực tế giúp doanh nghiệp triển khai các giải pháp tiết kiệm điện mà không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu. Mô hình này đang được áp dụng phổ biến tại các nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà, giao thông vận tải và nông nghiệp.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-buoc-tiet-kiem-nang-luong-vat-lieu-xay-dung-cung-phai-dan-nhan-post804290.html