Bartender đứng quầy xuyên Tết, chờ thu nhập gấp 3, 4 lần

Nhiều bartender, chủ quán bar sẵn sàng làm việc xuyên Tết. Đây là thời điểm họ có thể cải thiện thu nhập, nhận lương gấp 3, 4 lần ngày thường.

 Nhu cầu giải trí vào đêm tăng cao vào mùa lễ hội, đó là lý do khiến nhân sự ngành nightlife tất bật hơn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhu cầu giải trí vào đêm tăng cao vào mùa lễ hội, đó là lý do khiến nhân sự ngành nightlife tất bật hơn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đây sẽ là cái Tết thứ 4 mà Chun (chủ quán kiêm bartender tại bar The Pi, quận 1, TP.HCM) không về quê. Anh ở lại thành phố mở cửa quán, tranh thủ kiếm tiền trong giai đoạn lễ hội đông khách nhất của năm.

Theo Chun, quán của anh bắt đầu đón lượng khách tăng đột biến từ khoảng cuối tháng 11/2022 dương lịch (ngày lễ Halloween). Đến Tết Nguyên đán, khách sẽ càng đông hơn do nhu cầu vui chơi, giải trí tăng cao.

"Vào các dịp Tết, chúng tôi đón số lượng khách nhiều hơn 40-60% so với ngày thường. Trừ Tết năm 2021 phải đóng cửa do dịch bệnh, còn lại, năm nào anh em bartender cũng tất bật", Chun nói với Zing.

Bận rộn

Từ giữa tháng 12, Chun đã lên xong kế hoạch hoạt động cho Tết Quý Mão. Theo đó, anh cho nhân viên đăng ký lịch làm việc, tính toán nguyên liệu và chuẩn bị một menu riêng dành cho lễ hội. Việc này giúp anh kiểm soát được kho dự trữ, đồng thời mang đến cho khách hàng trải nghiệm chỉn chu nhất.

 Chun hào hứng được đón giao thừa với "đứa con tinh thần" của mình.

Chun hào hứng được đón giao thừa với "đứa con tinh thần" của mình.

"Mùa lễ Tết, chúng tôi khá vất vả. Nhân viên phải tới sớm hơn để chuẩn bị nguyên liệu tươi và gọt đá. Ngoài ra, giờ đóng cửa cũng muộn hơn mọi khi, kéo dài đến khoảng 3-4h sáng nhằm chiều lòng khách hàng", bartender này chia sẻ.

"Cứ tới ngày lễ, đêm nào chúng tôi cũng đứng quầy đến tê cả chân" - đó là tâm sự của Vĩnh Phúc (23 tuổi, bartender tại Cọ Cocktail Bar, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Bắt đầu từ mùa lễ Giáng sinh (cuối tháng 12), anh nhận thấy mình bận rộn hơn hẳn khi mỗi tối đều pha chế không ngơi tay.

Theo anh, năm nay, mọi người dường như có xu hướng tận hưởng mùa lễ Tết từ rất sớm.

"Càng về sát Tết, lượng khách càng đông đúc, tối nào họ cũng ngồi kín các bàn. Vào dịp nghỉ Tết, tôi dự đoán mình sẽ phải làm việc gấp đôi bình thường", anh cho hay.

Ca làm việc của Phúc chỉ kết thúc khi khách hàng về hết, tức khoảng 3-4h sáng. Xuyên suốt buổi làm, anh cùng nhiều đồng nghiệp phải thay phiên nhau vào bếp ăn tối, lấp đầy bụng để tránh mệt mỏi.

Những ngày cao điểm, nhân viên tại quán khó lòng chăm sóc khách kỹ lưỡng như ngày thường, dễ dẫn tới những sai sót nhỏ trong order, phục vụ. Từng người đều chia sẻ về sự bất tiện này ngay từ đầu với khách để mong sự thông cảm.

 Vĩnh Phúc bận rộn suốt những ngày cuối năm.

Vĩnh Phúc bận rộn suốt những ngày cuối năm.

Tại quán Lost Bar, quận 1, TP.HCM, Thanh Phong (23 tuổi, nhân viên phục vụ) đang cùng đồng nghiệp trang trí quán bằng vài câu đối đỏ và lồng đèn.

Kết thúc mùa lễ Halloween và Giáng sinh, quán liên tục phải đổi concept mới, tạo không gian bắt mắt nhằm thu hút khách hàng.

Từ cuối tháng 11/2022, Phong tăng ca thêm 4 tiếng mỗi ngày vì số lượng khách hàng tăng cao. Đặc biệt, sự xuất hiện của những nhóm khách lớn 6-10 người ngày càng nhiều. Đó thường là nhóm đồng nghiệp, bạn bè đến chơi "tăng 2" sau khi đã có cuộc gặp mặt ăn uống trước đó.

"Thay vì ngừng nhận khách từ 2h, giờ đây, chúng tôi mở cửa đến 4h. Mệt hơn, nhưng vì có khoản trợ cấp nên anh em trong quán đều cố gắng", Phong tâm sự.

Đặc thù ngành dịch vụ

Tết này, Nguyễn Huy (26 tuổi) cũng xác định ăn Tết xa nhà. Đây là năm đầu tiên anh từ TP.HCM ra TP Hạ Long (Quảng Ninh) để tiếp nhận công việc quản lý kiêm bartender tại một quán bar du thuyền.

Chia sẻ với Zing, Huy cho biết mô hình giải trí trên du thuyền ngày càng phổ biến và được yêu thích. Vì vậy, "quán bar trên mặt nước" của anh cũng tăng cường hoạt động xuyên Tết nhằm phục vụ khách hàng, đồng thời gia tăng thu nhập.

Vào mùa lễ hội, trung bình mỗi ngày, du thuyền của anh sẽ đón khoảng 60-80 khách, trong đó khoảng 40% sẽ sử dụng dịch vụ tại quầy bar.

Việc cùng đồng nghiệp đón Tết xa nhà khiến anh có chút buồn lòng. Tuy nhiên, mức lương, thưởng gấp 3, 4 lần vào dịp này thuyết phục anh ở lại.

"Sau Tết, chúng tôi sẽ đoàn viên muộn hơn. Đây là đặc thù của ngành dịch vụ, gia đình tôi đều thông cảm", anh cho biết.

 Quán bar trên du thuyền, nơi mà Huy làm việc và đón giao thừa năm nay.

Quán bar trên du thuyền, nơi mà Huy làm việc và đón giao thừa năm nay.

Tương tự, Vĩnh Phúc cũng gặp khó khăn khi đứng quầy xuyên suốt mùa lễ hội. Vì cả nhà sẽ về quê ở miền Bắc đón Tết, anh buộc phải xa gia đình trong những ngày đầu năm.

Bartender này thừa nhận có chút đắn đo khi nhận lịch làm việc Tết bởi muốn dành nhiều thời gian hơn bên người thân. Dù vậy, anh vẫn muốn thử thách bản thân nhằm trải nghiệm hết cảm giác bận rộn của ngành dịch vụ.

"Thú thật, vì giờ làm việc 'tréo ngoe', cả năm qua tôi không có nhiều dịp quây quần cùng bố mẹ. Hơn nữa, cảm giác tủi thân vẫn xuất hiện khi tôi phải tập trung làm việc còn mọi người đều vui chơi", Phúc tâm sự.

Tuy nhiên, theo anh, sự đánh đổi này khá xứng đáng. Với nhân sự ngành nightlife, Tết là thời điểm giúp họ cải thiện thu nhập nhờ lượng tiền tips, lương và các chi phí hỗ trợ khác đều tăng nhiều lần.

Nhờ nguồn thu nhập khá cao sắp tới, Phúc có thể chuẩn bị thêm một ít quà cho bố mẹ cũng như mừng tuổi họ hàng ở quê.

Theo kế hoạch, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, anh sẽ nhanh chóng bay về quê để sum họp cùng gia đình.

Mỹ Trinh - Hồng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bartender-dung-quay-xuyen-tet-cho-thu-nhap-gap-3-4-lan-post1383144.html