Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Không để thị trường thực phẩm chức năng trở thành 'vùng xám'
HNN - Thị trường thực phẩm chức năng của Việt Nam với hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau đang có những lỗ hổng nghiêm trọng về mặt quản lý.

Không cần dùng thực phẩm chức năng nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Hòa
Từ các cửa hàng dược phẩm, siêu thị đến các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, TPCN hiện diện dày đặc với đủ loại quảng cáo mời gọi, từ "tăng sức đề kháng", "giải độc gan", đến "hỗ trợ điều trị ung thư".
Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển đầy màu sắc ấy là một thực tế khiến xã hội phải cảnh giác: Cơ chế quản lý lỏng lẻo, công bố dễ dãi, hậu kiểm hình thức và sự thiếu đồng bộ trong giám sát đang biến thị trường này thành “vùng xám” nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Không giống như dược phẩm, vốn đòi hỏi quy trình kiểm định, thử nghiệm và phê duyệt nghiêm ngặt, TPCN chỉ cần thực hiện thủ tục công bố sản phẩm, theo dạng tự khai báo của doanh nghiệp.
Chỉ cần vài loại giấy tờ hợp thức hóa, một công ty nhỏ có thể nhanh chóng tung ra thị trường hàng loạt viên nang, cốm hòa tan, nước uống… với các lời quảng cáo chức năng như thuốc chữa bệnh, dù thực chất đó chỉ là thực phẩm hỗ trợ.
Chính sự dễ dãi về thủ tục này đã khiến thị trường TPCN phát triển ồ ạt, không đi kèm sự kiểm soát chất lượng hiệu quả. Một viên nang mát gan, tăng đề kháng hay giảm đau xương khớp có thể được gia công, đóng hộp, gắn nhãn mác bắt mắt chỉ sau vài tuần, mà không có bất kỳ kiểm nghiệm độc lập nào về hiệu quả thực tế trên người sử dụng.
Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh TPCN đã tận dụng kẽ hở chính sách để "lách" sang vùng cấm, quảng cáo sản phẩm như thuốc điều trị, tiếp thị bằng hình thức phản cảm, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.
Một sản phẩm TPCN có thể hợp pháp về mặt thủ tục, nhưng lại không đảm bảo an toàn về chất lượng, bởi cơ chế hậu kiểm – vốn là hàng rào quan trọng nhất – đang bị bỏ ngỏ hoặc thực hiện hình thức.
Hiện nay, số lượng sản phẩm TPCN được công bố ra thị trường mỗi năm là rất lớn, trong khi lực lượng hậu kiểm tại các địa phương, cơ quan y tế và quản lý thị trường vẫn còn hạn chế cả về nhân lực, kinh phí lẫn thiết bị kiểm nghiệm. Thực tế này tạo điều kiện để những doanh nghiệp làm ăn thiếu đạo đức lợi dụng, tung ra sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả, hàng nhái tràn lan, nhất là qua các kênh bán hàng trực tuyến.
Hậu kiểm chỉ được kích hoạt khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, hoặc khi có đơn thư, phản ánh từ báo chí và người tiêu dùng. Trong khi đó, TPCN lại trực tiếp tác động đến sức khỏe con người, nên mọi lỗ hổng trong quản lý không chỉ là vi phạm hành chính mà có thể dẫn đến hậu quả xã hội nghiêm trọng. Không thể phó mặc việc giám sát thị trường TPCN cho vài chiến dịch truyền thông hay những cuộc kiểm tra theo vụ việc. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải chủ động tái lập lại trật tự trên thị trường này bằng những bước đi cứng rắn và thực chất.
Đầu tiên là việc siết lại điều kiện tự công bố sản phẩm, yêu cầu minh bạch hơn về thành phần, nguồn gốc nguyên liệu, và có chứng nhận kiểm nghiệm từ cơ quan độc lập – ít nhất đối với các sản phẩm có tác dụng liên quan đến sức khỏe đặc thù như gan, xương khớp, miễn dịch, tim mạch... Tiếp theo là xây dựng chiến lược hậu kiểm có trọng điểm, thay vì kiểm tra dàn trải. Việc sử dụng dữ liệu để phân loại rủi ro sản phẩm, ưu tiên hậu kiểm các nhóm TPCN dễ bị giả mạo, có doanh số lớn, hoặc có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực mà vẫn bảo vệ được lợi ích người dân. Đồng thời, các địa phương cần được phân cấp trách nhiệm rõ ràng, có ngân sách và thiết bị xét nghiệm để làm tốt công tác giám sát tại chỗ, thay vì đợi chỉ đạo từ Trung ương. Song song đó là việc xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là những doanh nghiệp cố tình quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, hoặc gia công, phân phối hàng kém chất lượng.
Bên cạnh vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình. TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh – điều này cần được ghi nhớ.
Tuyệt đối không tin tưởng vào quảng cáo không kiểm chứng, càng không nên mua theo lời giới thiệu từ người nổi tiếng, mạng xã hội hay các “chuyên gia” tự phong. Trong một thị trường đầy rủi ro, tỉnh táo chính là “hàng rào đầu tiên” bảo vệ sức khỏe của mỗi người.
Thị trường TPCN chỉ có thể phát triển lành mạnh khi được đặt trong một hệ thống quản lý chặt chẽ, có trách nhiệm, và khi cả cơ quan quản lý lẫn người dân cùng ý thức rằng: Sức khỏe không phải là món hàng để đánh cược.