Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Đừng nhìn giáo dục một cách phiến diện

Không chỉ ở Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trên thế giới, giáo dục là một trong những lĩnh vực mà người dân đặc biệt quan tâm.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” (có nghĩa là kính thầy, trọng học). Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, một số người có cái nhìn chưa khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trên thế giới, giáo dục là một trong những lĩnh vực mà người dân đặc biệt quan tâm vì liên quan đến sự phát triển hay tồn vong của giống nòi và dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, khi tri thức không còn nắm độc quyền trong tay người thầy nữa, bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau (sách, báo, internet, trí tuệ nhân tạo...) thì người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng là cầu nối, truyền động lực cho người học, quyết định đến chất lượng giáo dục.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà người dân đặc biệt quan tâm

Tại Việt Nam, từ thuở xa xưa, ông cha ta đã xây dựng nên truyền thống kính trọng người thầy. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, dành ngân sách khá lớn (những năm gần đây trung bình khoảng 18% tổng chi ngân sách mỗi năm). Cùng với đó, từng gia đình có thể đầu tư tới 50-70-80% thu nhập mà họ có được cho con ăn học.

Chính vì thế mà giáo dục luôn là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trên báo chí và mạng xã hội. Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị cũng “ăn theo” sự quan tâm của người dân để đưa những thông tin sai lệch, xuyên tạc ngành giáo dục để từ đó kích động người dân “quay lưng” với cán bộ của ngành, giảm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước.

Từ đầu năm học mới 2023-2024 đến nay, nhiều tài khoản mạng xã hội đã lan truyền thông tin về nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa có “sạn”, tình trạng “lạm thu tràn lan”, “giáo dục xuống cấp”… Mỗi bài đăng kèm theo một số hình ảnh (có cả ảnh thật và ảnh cắt ghép). Các bài đó đã thu hút nhiều người xem và các ý kiến bình luận tiêu cực về chất lượng giáo dục, chất lượng sách giáo khoa... “Tung hô” sau các bài viết này là các “anh hùng bàn phím”, “bình loạn” tiêu cực ngành giáo dục, về đạo đức người thầy. Các đối tượng thù địch lấy các hiện tượng này, “chế biến” thêm rồi nói xấu Đảng, nhà nước và chế độ ta.

Thế nhưng, trên thực tế, các thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... lại không hề có trong sách giáo khoa hiện hành tại các nhà trường.

Một số vụ việc cụ thể trong ngành giáo dục-đào tạo như quỹ phụ huynh học sinh, việc dạy thêm, học thêm, chất lượng bữa ăn bán trú, tiêu cực trong một số cơ sở giáo dục… cũng bị phóng đại, “bôi đen thêm” trên mạng xã hội cho rằng đó là “bản chất của chế độ”, do “độc đảng lãnh đạo”… Từ đó các đối tượng viết các thông tin đó “kiến nghị” phải “thay thế lãnh đạo ngành giáo dục”, phải “đa nguyên, đa đảng”…

Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gần đây được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế (Ảnh minh họa)

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam gần đây được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước…

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước, đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy và học; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhấn mạnh kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo - những hạt nhân trong sự nghiệp "trồng người", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 của Trung ương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh.

Phương châm đặt ra là: "Lấy học sinh làm trung tâm", "Lấy nhà trường làm nền tảng", "Lấy thầy, cô giáo làm động lực". Đồng thời bảo đảm yêu cầu đặt ra là: "Học thật, thi thật, nhân tài thật", "Thực tâm, thực tài, thực nghề".

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung, tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng, chống bạo lực trong trường học; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" nhưng phải hợp lý và hiệu quả.

Việc phê bình, góp ý cho nền giáo dục nước nhà là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, động cơ và mục đích phê bình, góp ý, cũng như thái độ và cách làm cần trong sáng, tôn trọng nhau, đặc biệt cần nêu thông tin đúng và trung thực, có căn cứ, bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Đừng nhìn giáo dục một cách phiến diện.

Bất cứ ai khi sử dụng mạng xã hội cũng đều phải tỉnh táo, không bình luận, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 331 Bộ luật Hình sự thì các trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội tạo ra dư luận xã hội xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội thì tổ chức/cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đỗ Phú Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dung-nhin-giao-duc-mot-cach-phien-dien-286573.html