Bảo vệ Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An khỏi suy thoái môi trường

Để giải quyết tình trạng suy thoái, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An.

Voọc xám tại Vườn Quốc gia Pù Mát. (Ảnh: Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An)

Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Khu Dự trữ này có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển.

Ngày 18/9/2007, Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới.

Để bảo tồn, phát triển Khu Dự trữ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dữ trữ Sinh quyền Miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch được ban hành nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu ở Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An.

Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ được thực hiện gồm điều tra, đánh giá định kỳ 5 năm (2023-2027) về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo 07 tiêu chí công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An.

Thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An. Nghiên cứu phương án chuyển khu vực có tính đa dạng sinh học cao và đặc sắc từ xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) đến xã Nậm Càn và xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) thành rừng đặc dụng, kết nối với Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bồi hoàn sinh thái Bolikhamsai của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Xây dựng tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối hành lang Vườn Quốc gia Pù Mát-Đỉnh Pù Xai Lai Leng-Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với các hành lang liên vùng và liên biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…

Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng của Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng, cập nhật thường xuyên thông tin vào cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo và thực hiện phòng chống cháy rừng; tăng cường tuyên truyền về các phương án phòng chống cháy rừng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Nâng cao hiệu quả Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện Chương trình chi trả theo tín chỉ carbon rừng. Bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững cây dược liệu; bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế…

Bản Na Ngân nằm trong vùng lõi đại ngàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Theo Kế hoạch, các chương trình quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức, điều hành, năng lực quản lý; bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi Khí hậu. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch thân thiện; phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh Biến đổi Khí hậu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các mục tiêu quản lý và bảo vệ môi trường của Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương… nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An. Vì vậy kế hoạch này sẽ khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội và huy động các nguồn lực từ các chương trình khác nhau.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước nhằm tăng cường nguồn lực cho các hoạt động mà Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển chủ trì. Ban quản lý cũng chủ động xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành nhằm huy động và điều phối các bên liên quan cùng thực hiện Kế hoạch.

Vẻ đẹp hoang sơ của Vườn Quốc gia Pù Mát trong khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Tây Nghệ An. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An là khu Dự trữ Sinh quyển có diện tích lớn nhất trong 11 khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới của Việt Nam. Khu Dự trữ nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản; bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn Sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là Sông Hiếu, Sông Nậm Nơn và Sông Nậm Mộ, thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

Khu Dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác.

Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gene động, thực vật. Hiện đã ghi nhận 3.627 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, 134 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 20 loài trong danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng của IUCN 2021, 56 loài trong Nghị định số 84 và nhiều loại dược liệu quý hiếm được phát hiện và khai thác.

Đây cũng là miền đất, ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời và hiện vẫn lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và các di tích lịch sử-văn hóa quan trọng gắn với quá trình phát triển./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-ve-khu-du-tru-sinh-quyen-mien-tay-nghe-an-khoi-suy-thoai-moi-truong-post934300.vnp