Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long
Chiều 15/12, tại Quảng Ninh, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phối hợp với thành phố Hạ Long tổ chức hội thảo khoa học 'Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long'.
Dự Hội thảo có Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý thuộc các cơ quan cục, viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh và thành phố Hạ Long.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Thị Mai Anh tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo, các tư liệu, luận cứ sẽ được các nhà khoa học thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về giá trị của các di sản văn hóa và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố Hạ Long trong thời gian tới.
Thành phố Hạ Long hiện có 96/638 di tích lịch sử-văn hóa của toàn tỉnh; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia; 16 di tích lịch sử cấp tỉnh; 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam; có 11 lễ hội văn hóa truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh đặc điểm sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, như: thờ cúng Tổ tiên, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh...
Cùng với hệ thống di sản văn hóa, thành phố Hạ Long có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực đặc sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ hiện đại góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và định vị thêm cho Hạ Long nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trải nghiệm...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Hội thảo cần nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, con người, làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, nhất là đối với Quảng Ninh và thành phố Hạ Long.
Qua Hội thảo này sẽ có nhiều hơn nữa tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả sẽ chỉ ra thêm cho thành phố Hạ Long những kinh nghiệm tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về giá trị di sản văn hóa, con người Hạ Long hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn để có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: Cần đánh giá đúng và khách quan tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hạ Long về mặt di sản văn hóa, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có ưu thế trong đó có ngành du lịch văn hóa.
Bên cạnh đó, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp cận giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và hội thảo là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Theo đó, hội thảo nhằm phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa của thành phố Hạ Long, từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, với định hướng phát triển bền vững, đồng thời xác định rõ quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; khơi dậy mạnh mẽ truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật-Đồng tâm”, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng phát triển để xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích sâu sắc để làm rõ những nội dung như: nhận diện tiềm năng, thế mạnh từ các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa; định hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ cho sự phát triển bền vững thành phố Hạ Long trong giai đoạn mới.