Bảo tàng nghìn tỷ Hà Nội: Khuôn viên trống không, mặt bằng cho thuê nằm chờ
Với tổng diện tích gần 54.000m2, ngoài những hạng mục chính như khu bảo tàng theo mô hình kim tự tháp ngược, không gian làng nghề - phố nghề, không gian làng cổ… Bảo tàng Hà Nội còn rất nhiều không gian ngoài trời bỏ trống, chưa sử dụng.
Lời tòa soạn: VietNamNet giới thiệu bài 3 Bảo tàng Hà Nội: Khuôn viên trống không, mặt bằng cho thuê chờ cơ chế, trong loạt bài 'Cơ chế nào để các công trình nghìn tỷ phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện lớn của đất nước?'
Vài ba năm trước khi chưa có đại dịch Covid-19, không gian ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội được cho thuê để mở quán café (bên cạnh bảo tàng). Tuy nhiên, điểm dịch vụ đồ uống này cũng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn là ngừng vì không có khách.
Khu vực sân chính trước bảo tàng thời điểm đó được sử dụng để trưng bày khá nhiều cây cảnh, sinh vật cảnh ngoài trời. Nhưng đến hiện tại, khu vực này cũng bỏ trống.
Dịch vụ duy nhất đang hoạt động tại bảo tàng là 3 máy bán hàng tự động bán đồ uống tại sảnh chính. Do ít sự kiện nên lượng khách đến bảo tàng thưa vắng, lác đác các nhóm nhỏ đến tham quan, chụp ảnh.
Theo khảo sát của PV VietNamNet, những ngày đầu năm 2023, các sự kiện văn hóa tại Bảo tàng Hà Nội vẫn hết sức nghèo nàn. Ngoài một triển lãm nghệ thuật sắp đặt đang chiếm giữ không gian ngoài trời ở vị trí trung tâm của bảo tàng, không có sự kiện nào trong kế hoạch sắp tới.
Hầu hết các không gian chung, không gian ngoài trời của bảo tàng đều đang bỏ trống. Khu tái hiện phố cổ, phố nghề gồm dãy nhà xây 2 tầng mô phỏng hiện mới chỉ treo biển “Lụa Vạn Phúc”, “Gốm Bát Tràng”, khu nặn tò he… mà không có hoạt động tái hiện làng nghề.
Không gian Làng cổ là mô hình cổng làng cổ mô phỏng. Khu hiện vật ngoài trời lèo tèo vài ba hiện vật voi ngựa đá được chế tác mới, không có dấu ấn của cổ vật…
PV liên hệ với số điện thoại của người phụ trách mảng dịch vụ được công khai trên trang web của Bảo tàng Hà Nội (địa chỉ: https://baotanghanoi.com.vn), người này cho biết: Bảo tàng có chủ trương cho thuê địa điểm để kinh doanh nhưng chỉ những lĩnh vực phù hợp và được phép theo quy định (đối với các thiết chế văn hóa thuộc đơn vị sự nghiệp có thu).
Tuy nhiên, do bảo tàng chưa hoàn thành, chậm tiến độ, nhiều hạng mục chưa xây dựng… nên chưa ký kết hợp đồng cho thuê lâu dài.
“Thời điểm này bảo tàng chưa ký hợp đồng cho thuê dài hạn (từ 1 năm – PV). Phải qua thời điểm tháng 6/2023 mới biết có được cho thuê dài hạn hay không”, nhân viên phụ trách mảng dịch vụ của bảo tàng nói.
Trên trang web của Bảo tàng Hà Nội, mục Dịch vụ gồm 3 nội dung cửa hàng, tổ chức sự kiện, dịch vụ khác nhưng khi click vào thì trống rỗng.
Nhiều lý do cho việc chậm tiến độ
Giải thích lý do chậm tiến độ, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, nguyên nhân do liên tục thay đổi chủ đầu tư từ Sở Xây dựng, Sở VH-TT và tới nay là Bảo tàng Hà Nội.
Ngoài ra, dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành nhiều cấp; ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ thể hiện các hiện vật cần có tư vấn của các chuyên gia Nhật, Pháp…
Ngày 29/8/2022, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tiến hành khảo sát, kiểm tra 5 dự án, công trình quan trọng trên địa bàn. Đối với công trình Bảo tàng Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành dự án bảo tàng muộn nhất vào tháng 6/2024, vận hành tháng 8/2024.
Với những nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế không đạt yêu cầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét thay thế, không để vì lý do này mà làm dự án kéo dài lâu hơn.
Hình ảnh công trình nghìn tỷ chậm tiến độ nhiều năm mang tên Bảo tàng Hà Nội:
Dự án Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010 (trị giá 1.600 tỷ đồng). Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng sau đó được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.
Dự án Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trong khuôn viên khu đất rộng khoảng 54.000m2 tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, được chỉ định cho Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện theo hình thức BT.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 đã kiểm toán của Vinaconex, tính đến cuối năm 2017, công ty này còn khoản 92 tỷ đồng đầu tư dở dang vào dự án Bảo tàng Hà Nội.
Trước đó, tháng 10/2012, Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Kết quả thanh tra tại BQL Dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội, dự án Bảo tàng Hà Nội cho thấy đã xảy ra nhiều sai phạm trong công tác chọn nhà thầu, quản lý đầu tư dự án, lựa chọn vật liệu...
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã thay đổi chủ đầu tư đối với dự án Bảo tàng Hà Nội nhưng lại lựa chọn không đúng đã gây ra nhiều vướng mắc trong triển khai xây dựng. Kết quả là đến khi dự án hoàn thành nhưng tổng dự toán công trình vẫn chưa được phê duyệt.
Cùng với đó, chủ đầu tư đã dự toán thiết kế tính sai số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; sai tăng do thanh toán, quyết toán không phù hợp với hồ sơ hoàn công với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng…
Bài tiếp: Cơ quan quản lý nói gì về cơ chế thu chi, hoạt động, duy tu các công trình thể thao-văn hóa nghìn tỷ?