Bảo đảm cấp điện, nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng

6 tháng đầu năm 2023, Đà Nẵng đã trải qua 8 đợt nắng nóng, nhưng thành phố chưa xảy ra tình trạng cúp điện luân phiên cũng như chưa xảy ra thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Các đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cấp điện, nước trong thời gian còn lại của các đợt nắng nóng tiếp theo.

Mực nước sông Cu Đê tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ bảo đảm vận hành trạm bơm cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên vận hành, hòa vào mạng lưới cấp nước thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Do trời có mưa trên khắp cả nước trong hơn 2 tuần qua nên đến chiều 29-6, dung tích nước hữu ích trong 31 hồ thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý còn đến 8,268 tỷ m3 nước, tương ứng sản lượng điện có thể phát được hơn 2,1 tỷ kWh, tăng 2,113 tỷ m3 nước và tăng 346 triệu kWh điện so với cuối ngày 12-6-2023. Ở khu vực miền Trung, mực nước của 4 hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 đều cao hơn mức nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tổng dung tích nước hữu ích còn lại trong 4 hồ thủy điện này còn 521,6 triệu m3 nước, tương ứng với sản lượng phát điện hơn 200 triệu kWh. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho rằng, với trữ lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ, bảo đảm cấp điện, nước cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

“Khi có tình huống khẩn cấp về nguồn điện, nếu Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cần huy động điện khẩn cấp thì thủy điện A Vương sẽ bảo đảm 100% khả năng sẵn sàng của hệ thống máy móc để chạy máy phát điện. Chỉ trong từ 2-2,5 phút sau khi nhận lệnh, thủy điện A Vương đã phát lên lưới với công suất theo yêu cầu”, ông Ngô Xuân Thế cho biết thêm.

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, trong tháng 6-2023, sản lượng điện tiêu thụ cao nhất trong 1 ngày đã đạt đến 11,5 triệu kWh và dự báo sẽ đạt cao nhất 12,2 triệu kWh trong 1 ngày vào thời gian đến. Trước tình hình trên, công ty đã chủ động cập nhật các phương án cấp điện phù hợp, trong đó xây dựng chi tiết phương án cấp điện cho thành phố khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn và ở chế độ cực kỳ khẩn cấp với mức tiết giảm tối đa 157 MW vào ban ngày và tối đa 137 MW vào ban đêm, tương ứng xấp xỉ 25% công suất cực đại theo phân bổ.

Phương án này bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, công ty cũng lập kế hoạch vận hành bảo đảm huy động công suất tối đa các nguồn điện mặt trời mái nhà lên lưới điện để hỗ trợ nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Cùng với đó, công ty chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị tiêu thụ nhiều điện năng như Công ty CP Thép Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Gạch men Cosevco… và nhiều đơn vị khác để phối hợp thực hiện tiết giảm sản lượng và công suất trong các khung giờ theo yêu cầu của điều độ quốc gia, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Các điện lực trực thuộc công ty cũng đã làm việc với UBND các quận, huyện để đẩy mạnh tuyên truyền, thực hành tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tăng cường các giải pháp bảo đảm vận hành an toàn lưới điện trong mùa nắng nóng. Ảnh: H.H

Thời gian qua, do có mưa ở thượng nguồn kết hợp với việc vận hành bình thường, đúng quy trình của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các cửa van của đập dâng Bàu Nít, Hà Thanh... được nâng cao nên mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch luôn duy trì cao hơn mực nước thiết kế đập dâng.

Riêng trong ngày 29-6, mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch duy trì từ 2,5-2,65m, cao hơn cao trình thiết kế của đập dâng này 0,5-0,65m. Chính nhờ nguồn nước dồi dào chảy về, nước sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ gần như không bị nhiễm mặn nặng trong 3 tuần qua. Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Hồ Minh Nam cho biết: “Thời gian qua, độ mặn của nước sông Cẩm Lệ không tăng cao.

Công ty đã bảo đảm cấp nước cho thành phố trong giai đoạn nhu cầu sử dụng nước gia tăng với công suất cấp nước cao nhất trong 1 ngày của tháng 6 là 352.000m3/ngày. Công ty đã đưa vào vận hành công trình trạm bơm và tuyến ống chuyển tải nước thô mới từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ và thành phố cũng đã đưa vào vận hành Nhà máy nước Hòa Liên nên việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố đang được bảo đảm”.

Theo Sở Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng triển khai vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, hòa nước vào mạng lưới cấp nước thành phố từ ngày 25-5-2023 theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Sở Xây dựng đang theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện vận hành, khai thác các công trình cấp nước, nhà máy nước, nhất là Nhà máy nước Hòa Liên bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm bảo đảm cấp nước an toàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong mùa cạn năm 2023.

HOÀNG HIỆP - MAI QUẾ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202307/bao-dam-cap-dien-nuoc-sinh-hoat-trong-mua-nang-nong-3947975/