Bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu

Tình hình thị trường hàng hóa trong tỉnh hiện nay về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, sức mua trên thị trường vẫn tăng theo chiều hướng ổn định. Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu luôn được giữ ở mức ổn định tại Siêu thị Go! Thanh Hóa.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu luôn được giữ ở mức ổn định tại Siêu thị Go! Thanh Hóa.

Thị trường hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 diễn ra khá sôi động, nhất là các mặt hàng nhóm thực phẩm có tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể và không làm ảnh hưởng đến thị trường nội tỉnh, được đa số người tiêu dùng chấp nhận. Trong đó, nhóm mặt hàng rau củ quả có biên độ và mức tăng cao nhất (có mặt hàng từ 25 đến 50%); mặt hàng nước ngọt giải khát các loại, dầu ăn, mỳ chính có mức và biên độ tăng thấp (0,5 đến 3%). Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm cá tươi tăng giá nhẹ (từ 4 đến 13%).

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 năm 2024 đạt 12.775 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 24.793 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 11.509 tỷ đồng, tăng 14,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 10,9%; xăng, dầu các loại 3.084 tỷ đồng, tăng 10,5%...

Thời gian qua, công tác kiểm tra và kiểm soát thị trường được Cục Quản lý Thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong tỉnh; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bao-dam-can-doi-cung-cau-mat-hang-thiet-yeu/208349.htm