Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh

Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo để học sinh vừa có bữa ăn an toàn, dinh dưỡng, vừa có sức khỏe tốt, phát triển trí tuệ, tầm vóc.

Trường Tiểu học Hòa Mạc (Duy Tiên), trung bình mỗi ngày có khoảng 230 học sinh ăn bán trú, chiếm gần 40% học sinh toàn trường. Để tổ chức ăn bán trú, nhà trường tiến hành rà soát, siết chặt quy trình tổ chức bếp ăn theo mô hình “Bếp ăn một chiều”. Từ khâu đầu vào của thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp uy tín, chất lượng; nhân viên nhà bếp được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em và được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay trong quá trình chế biến... Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra nguồn nguyên liệu, quá trình sơ, chế biến và lưu mẫu thức ăn 24/24h. Cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Mạc cho biết: Bếp ăn bán trú của trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh theo quy định. Để có bữa ăn đủ dưỡng chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, nhà trường thành lập tổ giám sát bán trú, hằng ngày kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng đến suất ăn dành cho những học sinh bị ốm, học sinh béo phì, học sinh bị dị ứng với một số loại thực phẩm...

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Mầm non xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Ảnh: Giang Trần

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Mầm non xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Ảnh: Giang Trần

Được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu bếp, khu nhà ăn riêng biệt, tủ nấu cơm, tủ sấy bát..., Trường Mầm non xã Liêm Cần (Thanh Liêm) có đầy đủ các điều kiện để tổ chức ăn bán trú an toàn cho trẻ. Hiện nay, trường có 419 học sinh, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường đạt 100%. Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp có uy tín, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tăng cường giám sát đầu vào thực phẩm “3 bên” (nhà trường, đơn vị cung ứng, đại diện phụ huynh học sinh). Quá trình chế biến, yêu cầu các nhân viên nhà bếp thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh từ dụng cụ chế biến, đến sơ chế, nấu ăn, chia thức ăn cho trẻ… Cô giáo Đỗ Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, trường không xảy ra ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan, lơ là, bởi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến tính mạng con người. Đặc biệt, trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, chúng tôi luôn sâu sát, động viên trẻ ăn ngon miệng, ăn hết suất. Từ đó, tỷ lệ trẻ có chiều cao, cân nặng phát triển bình thường tăng lên, qua bữa ăn mỗi con cũng được rèn thêm tính tự lập.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 cơ sở giáo dục, trong đó chủ yếu là các cơ sở giáo dục mầm non đang thực hiện tổ chức ăn bán trú. Ở mỗi trường, cấp học, việc thực hiện bữa ăn bán trú cho các em không giống nhau tùy vào độ tuổi của trẻ, song đều vì mục đích chung là mang đến cho học sinh những bữa ăn bán trú an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt nhu cầu và tâm lý của phụ huynh có con học bán trú, hiện nay các trường học đều xây dựng thực đơn trước hằng tuần với đa dạng món ăn, đủ các nhóm chất và được công khai trên website, các trang mạng xã hội của trường… để các phụ huynh giám sát, theo dõi.

Bữa ăn trưa bán trú của các cháu tại một trường mầm non trên địa bàn thị xã Duy Tiên. Ảnh: Đỗ Hồng

Bữa ăn trưa bán trú của các cháu tại một trường mầm non trên địa bàn thị xã Duy Tiên. Ảnh: Đỗ Hồng

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học cũng được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm...; nâng cao ý thức cho các em học sinh, giúp các em có kỹ năng cơ bản nhận biết, không sử dụng các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có đầy đủ thông tin về thành phần, hạn sử dụng, không có phụ đề tiếng Việt (đối với hàng hóa nước ngoài)... được bày bán trên thị trường, nhất là khu vực xung quanh cổng trường; đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua bán quà vặt tại các cổng trường.

Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các bữa ăn bán trú không chỉ đơn thuần là cung cấp năng lượng cho các em học mà còn góp phần quan trọng vào việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng và béo phì của trẻ. Vì thế ngoài trách nhiệm của các cơ sở giáo dục rất cần sự chung tay của ngành chức năng và mỗi gia đình.

Trần Giang

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/bao-dam-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-bua-an-ban-tru-cho-hoc-sinh-155851.html