Bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

Xác định an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, những năm qua, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm ATTP và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, nhận thức, ý thức về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng ngày càng được nâng cao.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, BCĐ liên ngành về ATTP các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn với sự tham gia, vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, giúp công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ. Theo báo cáo của BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh, công tác quản lý nhà nước về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024 đã được các cấp, ngành bám sát các kế hoạch, mục tiêu đề ra, nghiêm túc triển khai thực hiện. Công tác thông tin, truyền thông được triển khai đa dạng, phù hợp với các đối tượng. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP được chủ động triển khai thực hiện, góp phần kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập 126 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP thực hiện thanh tra, kiểm tra 930 cơ sở; xử phạt 17 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 178 triệu đồng và khởi tố 1 vụ về hành vi sử dụng hàn the trong sản xuất giò chả. Công tác giám sát mối nguy ATTP, giám sát lễ hội, sự kiện được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời nguy cơ mất ATTP cho người dân và doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện Thanh Liêm kiểm tra bếp ăn tập thể Trường Mầm non xã Thanh Tâm (Thanh Liêm).

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện Thanh Liêm kiểm tra bếp ăn tập thể Trường Mầm non xã Thanh Tâm (Thanh Liêm).

Thực hiện Tháng hành động về ATTP năm 2024 (từ 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, UBND, BCĐ liên ngành ATTP các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn.

Cụ thể là cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn kiểm tra tại 6 huyện, thành phố, thị xã. Các ngành, địa phương căn cứ kế hoạch của tỉnh xây dựng và triển khai hoạt động truyền thông, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể… theo phân cấp quản lý.

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đã thực hiện lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm chất lượng đối với các sản phẩm có nguy cơ cao; kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Cùng với xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, các đoàn cũng chú trọng tuyên truyền quy định của pháp luật về ATTP; hướng dẫn người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP; hoàn thiện thủ tục pháp lý về vệ sinh, ATTP đúng quy định.

Ngoài thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các đoàn cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP của BCĐ về ATTP tại các địa phương. Theo đánh giá ban đầu cho thấy, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của các huyện, thành phố, thị xã cũng như chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Dương, Tháng hành động vì ATTP được xác định là điểm nhấn, tạo nên đợt cao điểm truyền thông các quy định của pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, việc kiểm tra về ATTP được tăng cường nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo đảm ATTP; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, các bệnh lây truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn. Đặc biệt, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn những khó khăn, như chính quyền, BCĐ một số địa phương chưa chú trọng chỉ đạo các ngành và tổ chức xã hội cùng tham gia quản lý ATTP; cán bộ phụ trách công tác ATTP tại các xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến việc tham mưu, phối hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động còn nhiều hạn chế. Nhận thức về ATTP của cộng đồng chưa đầy đủ, việc thực hiện các quy định có liên quan trong lĩnh vực ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm còn hạn chế. Cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu về hồ sơ pháp lý, điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị. Tại tuyến xã, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra có vi phạm về ATTP khá cao nhưng chưa xử lý, chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở…

Việc bảo đảm ATTP không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP, mà được thực hiện xuyên suốt trong cả năm, tập trung vào các dịp cao điểm, như: Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân, Tết Trung thu… Nhờ đó, những năm qua, không có các vụ ngộ độc tập thể, tử vong do ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh; các ca ngộ độc lẻ tẻ cũng giảm rõ rệt.

Thời gian tới, BCĐ liên ngành ATTP tỉnh và các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, nhất là công tác hậu kiểm ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết và sử dụng thực phẩm an toàn. Khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất bảo đảm ATTP gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm; thúc đẩy các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn. Các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATTP có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn làm nhiều người nhập viện xảy ra gần đây, Bộ Y tế cũng vừa có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, đặc biệt lưu ý người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Hoàng Hải

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/bao-dam-an-toan-thuc-pham-vi-suc-khoe-cong-dong-122528.html