Bánh tét, dưa hành ngày xuân

Mỗi dịp tết về, trước nhiều món ăn ngon, có lẽ mỗi người chỉ thưởng thức được một khoanh nhỏ bánh tét cùng chút củ kiệu chua ngọt. Tuy nhiên, không vì vậy mà những món ăn đậm chất quê hương hồn hậu ấy vắng mặt trong mâm cơm ngày tết.

Ngồi cùng nhau gói bánh tét là cách sum vầy dịp tết của người dân Nam bộ (Ảnh: NSNA Hữu Tuấn)

Củ kiệu, cải sậy dành muối dưa là món không thể thiếu của mẹ tôi khi đi chợ những ngày gần tết. Chợ quê tôi nhỏ nên chỉ khi tết sắp về, nhà nhà làm món muối chua ăn cùng thịt kho, bánh tét thì củ kiệu và cải sậy mới được bày bán. Gian hàng nhỏ dọc đường nhưng lúc nào cũng đông người ghé. Dường như ai cũng muốn trong nhà có chút củ kiệu, cải muối chua ngày tết đến.

Ngày nay, muốn có hũ kiệu muối hay dưa cải chua, đặc biệt là trong dịp tết, chỉ cần “bước ra đầu ngõ” nhưng cảm giác tự tay gọt kiệu, phơi cải, nhận dưa,... lại là điều không mua từ nơi nào được. Tôi cũng không biết khi mẹ tự tay làm điều đó, sẽ tiết kiệm được cho gia đình bao nhiêu chi phí nhưng chắc chắn một điều là món mẹ làm hợp khẩu vị, ngon miệng hơn và khi nhận được lời khen, đôi mắt mẹ vui hơn. Cái tết nhờ vậy trở nên ấm áp!

Tết là để sum vầy nên ngày tết, nhiều người chọn ngồi lại cùng nhau vừa gói bánh, vừa trò chuyện, kể cho nhau nghe một năm qua được, mất những gì. Ở nhà tôi, người trẻ hầu hết làm việc tại công ty, doanh nghiệp, ngày nghỉ tết không nhiều nên chẳng có mấy thời gian, việc gói bánh tét đều do bà, mẹ và các cô phụ trách. Ba, bốn gia đình hẹn nhau ngày giáp tết, khi thì 30, có năm đến mùng 2 mới ngồi lại cùng nhau gói bánh.

Mẹ tôi mang theo ít thịt được chọn từ trước, có cả nạc lẫn mỡ cho đỡ ngán, bác gái đem nếp và lá chuối, nhà cô tôi có sẵn buồng chuối vừa độ chín. Mọi người quây quần gói vài chục đòn bánh tét rồi chia ra cho các gia đình. Nhà nào đông con cháu sẽ được nhận phần hơn, để chắc chắn rằng, khi về nhà ăn tết “đứa nào cũng phải có một đòn bánh tét mang đi làm quà chứ!” - cô tôi lặp lại lời bà nội hay nói lúc sinh thời.

Tôi không biết củ kiệu, dưa chua, thịt kho, bánh tét trở thành món ăn truyền thống khi nào, nhưng trong ký ức của tôi, chưa mùa tết nào vắng những món ăn quen thuộc ấy. Giữa cuộc sống hiện đại, đa dạng bánh, mứt được cung cấp vào dịp tết, không ít sản phẩm ngoại nhập đắt tiền, ngon miệng nhưng bánh tét, dưa hành vẫn giữ được “sức sống” bởi loại bánh dân dã ấy mang theo cốt hồn dân tộc. Cũng như bánh chưng, bánh tét làm từ hạt nếp, gắn bó với dân ta trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Khi cuộc sống thanh bình, bánh tét “níu kéo” sự sum vầy, trở thành điều không thể thiếu trong đời sống tinh thần, nét đẹp văn hóa ngày tết đến của người miền Nam.

Bánh tét, củ kiệu, cải muối chua có thể mua được quanh năm, gói bất cứ lúc nào nhưng không vì vậy mà những món ăn này vắng mặt trong mấy ngày tết!./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/banh-tet-dua-hanh-ngay-xuan-a170514.html