Bảng điểm tốt nghiệp đến 4 cỡ chữ, doanh nghiệp tuyển dụng ngán ngẩm
Trong bảng điểm của sinh viên một trường ở thành phố Hồ Chí Minh có tới 4 cỡ chữ khi viết tên các môn học khiến doanh nghiệp tuyển dụng rất khó chịu.
Theo Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định về nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ 1/3/2020 thì hình thức đào tạo là nội dung được ghi trên phụ lục văn bằng chứ không còn được ghi trên văn bằng giáo dục đại học như trước đây. Thông tư còn quy định: Phụ lục văn bằng giáo dục đại học có thông tin về kết quả học tập, bao gồm điểm học phần hoặc môn học; điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp của người học...
Rõ ràng, khi ngành giáo dục bỏ ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì việc quan trọng nhất là quản lý và siết chặt đầu ra đối với sinh viên, học viên. Các cơ sở giáo dục đại học cần đặt vị trí của họ vào vai doanh nghiệp khi phỏng vấn hay tuyển dụng ứng viên để thấy được nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của xã hội.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Vũ – hiện đang công tác tại phòng nhân sự của Tổng công ty xây dựng số 1 nhận thấy, cả nhận thức của người học và văn bằng của các bạn tạo nên ấn tượng đầu tiên đối với doanh nghiệp.
Ông Vũ cho rằng, các bạn sinh viên ngày nay có nhiều điều kiện học tập và tìm hiểu về chuyên môn, ngoại ngữ, kĩ năng so với thế hệ trước nhưng khả năng làm việc rất thụ động, rất ít khi tìm tòi tài liệu trừ khi có sự hướng dẫn, chỉ tận tay. Nói chung, doanh nghiệp nào thì cũng có kế hoạch đào tạo cho người lao động mới nhưng không thể hoàn toàn thay cho nhà trường được.
“Hôm qua xem CV (Curriculum Vitae) của một số ứng viên nộp đến vì không có hình thức đào tạo nên tôi có xem bảng điểm, đúng là bảng điểm có ghi loại hình đào tạo chính quy nhưng trong bảng điểm của sinh viên tốt nghiệp một trường ở thành phố Hồ Chí Minh thì có tới 4 cỡ chữ khi viết tên các môn học trong bảng điểm tốt nghiệp, thậm chí tôi phải lấy kính lúp ra mới dịch được tên một số môn học vì chữ viết quá bé. Thực sự, điều này khiến những nhà tuyển dụng như chúng tôi rất khó chịu”.
Lúc này, anh Vũ đặt vấn đề: “Tôi không hiểu khâu kiểm soát hồ sơ của trường đại học này thế nào? Thậm chí bản thân lãnh đạo nhà trường – trong trường hợp này là Phó hiệu trưởng ký bảng điểm cho sinh viên cũng cẩu thả, không chú ý.
Chính việc làm tắc trách này tạo nên hạt sạn trong mắt nhà tuyển dụng khi nhìn nhận chất lượng đào tạo và làm giảm cơ hội kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học này.
Bởi lẽ, khi sinh viên tốt nghiệp trường A, trường B nộp CV mà doanh nghiệp thấy ngay ở bảng điểm – tức là thành quả của người học cũng không chỉn chu thì làm sao doanh nghiệp có ấn tượng tốt được.
Hơn nữa, tấm bằng đại học và bảng điểm tốt nghiệp là thành quả 4-5 năm đèn sách của các em sinh viên, là hy vọng của các bậc phụ huynh như một tờ “giấy thông hành” dành cho con em mình bước vào đời lập nghiệp. Đáng lẽ ra thành quả đó phải là niềm tự hào của các bậc phụ huynh và sinh viên khi ra trường nhưng bản thân người học cũng thờ ơ với chính thành quả của mình.
Bằng chứng là anh Vũ có liên hệ lại với ứng viên này và hỏi có biết bảng điểm có vấn đề gì không thì bạn này trả lời là không thấy có gì. Cho đến khi nhà tuyển dụng chỉ ra thì ứng viên bảo rằng đó là bảng điểm gốc, không hiểu vì sao lại vậy. “Điều này cho thấy chính người học khi cầm bảng điểm trên tay mà chẳng hề để ý vì nếu thấy bất thường thì phải phản hồi với nhà trường”, anh Vũ nói.
Qua câu chuyện trên cho thấy, đang còn nhiều điều trăn trở thậm chí là khuyến cáo của doanh nghiệp- nơi trực tiếp sử dụng sản phẩm của trường đại học, hi vọng các trường đại học và bản thân người học rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc để tạo cho mình cơ hội việc làm rộng mở, không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp.