Bản tin trưa 23/5: Thủ tướng yêu cầu bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp
Tin tức nổi bật trưa 23/5: Thủ tướng yêu cầu bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; Tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính; Khôi phục đoàn tàu khách liên vận Việt Nam - Trung Quốc; Quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột đạt 5 triệu khách vào năm 2030; Bộ Xây dựng chỉ đích danh một số dự án chưa giải ngân vốn đầu tư công... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).

Nội dung Công điện nêu rõ, để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê TTHC, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước ngày 10/6/2025.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025.
Tạm dừng kiểm kê đất đai đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng kiểm kê đất đai năm 2024 đến khi hoàn thành sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính. Đây là động thái nhằm thực hiện Luật Đất đai 2024, Chỉ thị 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết mới của Trung ương và Chính phủ về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nộp kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 cấp xã lên hệ thống trực tuyến của bộ tại địa chỉ http://tk.gdla.gov.vn trước ngày 15/6. Đồng thời, bộ này yêu cầu dừng việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai năm 2024 đối với cấp huyện, tạm dừng cấp tỉnh đến khi hoàn thành sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính mới.
Các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, thống nhất các địa điểm và diện tích đất quốc phòng, đất an ninh ở địa phương. UBND cấp tỉnh sau khi sắp xếp có trách nhiệm tổ chức thực hiện tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 của cấp xã sau khi sắp xếp theo địa giới đơn vị hành chính mới, hoàn thành trước 31/7. Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 của các tỉnh, thành phố và giao nộp kết quả kiểm kê đất đai phải gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/8.
Khôi phục đoàn tàu khách liên vận Việt Nam - Trung Quốc
Bộ Xây dựng vừa chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khôi phục tuyến tàu khách liên vận trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm an ninh, an toàn chạy tàu. VNR có trách nhiệm thông báo với phía Trung Quốc để thực hiện.

Trước đó, ngày 13/5, lãnh đạo VNR đã cùng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đàm phán với chính quyền Bằng Tường, thống nhất các điều kiện kỹ thuật và thời gian dự kiến khôi phục đoàn tàu khách liên vận vào ngày 25/5. VNR đã rà soát, kiểm tra và bổ sung điều kiện về hạ tầng, nhân lực, hành trình chạy tàu từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm, sẵn sàng đáp ứng tổ chức chạy đôi tàu khách liên vận quốc tế.
Đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài 162 km, là tuyến duy nhất trong nước có khổ lồng đường ray 1.000 mm và 1.435 mm, có thể kết nối với đường sắt Trung Quốc với khổ ray 1.435 mm. Hành khách đi tàu liên vận không phải chuyển tàu khi đi qua biên giới. Từ 5/2/2020, tuyến tàu khách này phải tạm dừng khai thác để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, chỉ duy trì tàu hàng liên vận. Sau dịch, VNR đã đề xuất phía Trung Quốc khôi phục tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.
Quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột đạt 5 triệu khách vào năm 2030
Cục Hàng không vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Theo hồ sơ quy hoạch, sân bay Buôn Ma Thuột được xác định là sân bay nội địa, phục vụ đồng thời hoạt động hàng không dân dụng và quân sự, kết nối khu vực Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, sân bay được quy hoạch khai thác các loại tàu bay như Airbus A320, A321 trở xuống, với 19 vị trí đỗ; đầu tư nâng cấp đường băng lên 3.000x45 m và bổ sung đường lăn song song. Trong thời gian này, sân bay tiếp tục sử dụng nhà ga T1 hiện tại, cải tạo để đạt công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm đồng thời quy hoạch xây dựng nhà ga T2 với công suất khai thác khoảng 3 triệu khách/năm.
Đến năm 2050, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ được nâng cấp với 27 vị trí đỗ và khả năng đón khoảng 7 triệu hành khách mỗi năm. Giai đoạn này quy hoạch thêm đường cất hạ cánh số 2 dài 2.400 m, rộng 45 m; mở rộng sân đỗ, đường lăn và chuẩn bị mở rộng Nhà ga T2, nâng công suất lên 5 triệu hành khách mỗi năm. Tổng diện tích đất quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là hơn 518 ha, gồm hơn 267 ha khu bay dùng chung, gần 140 ha khu hàng không dân dụng và hơn 111 ha khu an ninh, quốc phòng.
Bộ Xây dựng chỉ đích danh một số dự án chưa giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa có Công điện số 18/CĐ-BXD về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Cụ thể công điện được gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh và Sở Xây dựng của các địa phương này gồm Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp và thành phố Đà Nẵng. Cùng đó là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy.
Theo báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2025 của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tới hết tháng 4/2025, Bộ Xây dựng đã giải ngân đạt 15,88% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (20,97%). Đối với các dự án được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư và 3 dự án lồng ghép nguồn vốn địa phương có tiến độ thực hiện giải ngân rất chậm.
Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và sửa đổi 7 luật
Trong phiên họp buổi sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc phòng chống hàng giả, gian lận thương mại
Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cùng thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với hai Thượng Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa là Steven Daines của Bang Montana và Ted Cruz của Bang Texas cùng cộng sự trao đổi một số nội dung thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Mỹ nói chung và công tác đàm phán nói riêng.

Trong buổi làm việc với Thượng Nghị sĩ Steven Daines, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế thương mại hai nước nói chung, công tác đàm phán Hiệp định Thương mại song phương đối ứng giữa Việt Nam - Mỹ nói riêng. Đoàn công tác đã dành thời gian gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp và chính giới Hoa Kỳ để thúc đẩy các vấn đề nêu trên.
Cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thượng Nghị sĩ Steven Daines đánh giá rất cao những hành động, thiện chí của Việt Nam trong đàm phán, những hành động đó luôn bám sát, gắn chặt với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước. Thượng Nghị sĩ Steven Daines khẳng định, sẽ chuyển tải những thông điệp của phía Việt Nam đến chính quyền Tổng thống Donald Trump và mong muốn được chứng kiến những kết quả tốt đẹp trong tiến trình đàm phán thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ.
Vương quốc Anh điều chỉnh danh sách hưởng miễn trừ tự vệ với thép
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan Phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh (TRA) đã thông báo điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển hưởng miễn trừ và thay đổi hạn ngạch thuế quan biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép.

Trước đó, ngày 28/2/2025, do dữ liệu rà soát cho thấy có sự thay đổi hoàn cảnh từ khi áp dụng hạn ngạch với một số sản phẩm thép (như sự thay đổi lượng nhập khẩu từ một số nước đang phát triển), Cơ quan Phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh tự khởi xướng rà soát biện pháp tự vệ áp dụng với một số nhóm sản phẩm thép nhằm xem xét thay đổi hạn ngạch thuế quan.
Sau quá trình điều tra rà soát, Cơ quan Phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh đề xuất điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển được hưởng miễn trừ. Cụ thể, Cơ quan Phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh đề xuất đưa ra khỏi danh sách loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ với 6 nước đang phát triển gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ do thị phần nhập khẩu thép vào Vương quốc Anh của mỗi nước đã vượt ngưỡng 3% trong thời kỳ điều tra.
Hơn 4.000 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội hơn 500 tỷ đồng
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa cho biết, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của hàng nghìn người lao động. Tính đến hết tháng 4/2025, tổng số tiền chậm đóng lên tới 571,040 tỷ đồng, liên quan đến 4.060 đơn vị.

Cụ thể khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng này. Với 3.905 đơn vị vi phạm, khối này chiếm tới 97,565% tổng số tiền chậm đóng toàn tỉnh, tương đương 557,136 tỷ đồng.
Một thực trạng đáng báo động khác là có tới 654 đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chủ bỏ trốn. Những đơn vị này đang "treo" khoản nợ 149,317 tỷ đồng, chiếm 26,80% tổng số tiền chậm đóng của riêng khối doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho việc thu hồi và giải quyết chế độ cho người lao động. Trong khi đó, khối hành chính sự nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy nợ đọng, với 155 đơn vị chậm đóng và tổng số tiền 13,904 tỷ đồng, chiếm 2,435% tổng số.