Bản tin Năng lượng xanh: Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trước những thông điệp trái chiều tại COP29

Các thỏa thuận của COP29 về tài chính và thị trường carbon có thể dẫn đến dòng tiền hàng tỷ đô la chảy vào kinh doanh, nếu trong năm tới các quốc gia đưa ra kế hoạch về khí hậu với các chính sách rõ ràng hơn cho thị trường và đầu tư, trong đó có vấn đề cắt giảm khí thải và năng lượng tái tạo.

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trước những thông điệp trái chiều tại COP29

Theo các chuyên gia, COP29 đã không giúp ích được gì cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Theo một số nguồn tin quốc gia tại COP29, Hội nghị thượng đỉnh đã không đưa ra bất kỳ bước đi nào để thúc đẩy các cam kết của COP28 năm ngoái về việc chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Hai tuần đàm phán gay gắt tại Baku của Azerbaijan đã dẫn đến một thỏa thuận tài trợ khí hậu hàng năm trị giá 300 tỷ USD vào năm 2035. Đầu tư của khu vực tư nhân đã được đưa ra trong suốt hội nghị thượng đỉnh, trong đó bao gồm cả cam kết của ngân hàng phát triển đa phương nhằm huy động 65 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, những kế hoạch đó, phải được trình lên Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tiếp theo tại Brazil, trong đó, cần phải mô tả các bước đi để biến các dự án thành hiện thực và có ít rủi ro hơn.

Một số chi tiết đó có thể sẽ xuất hiện trong các cuộc thảo luận giữa các quốc gia trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP30 trong năm tới, nơi họ sẽ vạch ra bộ kế hoạch cắt giảm khí thải tiếp theo của mình. Các quốc gia dự kiến sẽ đệ trình kế hoạch khí hậu quốc gia của mình vào tháng 2/2025, nhưng nhiều quốc gia cho biết họ sẽ không đáp ứng được thời hạn này.

Các doanh nghiệp đã kêu gọi chi tiết hóa các kế hoạch nêu trên, kể cả các dự án và nỗ lực "sẵn sàng đầu tư", với mức độ cụ thể nhất có thể, để giúp các nhà đầu tư đánh giá các cam kết và rủi ro dài hạn của mình.

Thomas Tayler, Giám đốc Tài chính khí hậu tại công ty quản lý tài sản Aviva Investors cho biết dòng tiền sẽ chỉ bắt đầu chảy sau khi các mục tiêu chung đã thống nhất tại các sự kiện như COP29 được chuyển thành "quy định, luật pháp và các biện pháp chính sách khác". Điều quan trọng không kém là việc thể hiện cam kết thực hiện các chính sách và quy tắc này và báo cáo về tiến độ thực hiện.

Đối với các công ty tham gia vào các dự án loại bỏ carbon, COP29 đã đưa ra một triển vọng tươi sáng hơn bằng cách đưa ra một thỏa thuận để giải quyết các quy tắc về giao dịch bù đắp carbon quốc gia, trong đó có việc thành lập một sổ đăng ký trung tâm cũng có thể phát hành các khoản tín dụng đó và theo dõi doanh số bán hàng của họ. Eliot Whittington, Giám đốc thay đổi hệ thống tại Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge, cho biết: "Sẽ có nhiều khoản tài trợ hơn nữa được thực hiện dựa trên thỏa thuận này".

Các bên cũng đã bắt đầu thảo luận về các nguồn doanh thu tiềm năng mới như thuế toàn cầu, đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như hàng không và vận chuyển hàng hóa, đối với các giao dịch dầu khí và giao dịch tài chính.

Hiện tại, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của thế giới đã bị chậm lại do xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó, cùng với việc các Chính phủ thực hiện chậm lại các cải cách xanh và các công ty lớn như BP và Unilever trì hoãn các nỗ lực của mình.

Trong khi các quốc gia tại COP29 đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới là 300 tỷ USD, họ chỉ đảm bảo số tiền đó vào năm 2035. Hiện nay, cũng ít ai mong đợi Tổng thống đắc cử Trump sẽ cung cấp tài chính khí hậu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới hoặc bảo vệ các chính sách thân thiện với đầu tư khí hậu của Hoa Kỳ.

BP và các đối tác đầu tư 7 tỷ USD vào dự án thu giữ carbon tại Papua của Indonesia

BP, công ty năng lượng hàng đầu có trụ sở tại Anh, và các đối tác trong hợp đồng chia sẻ sản xuất Tangguh đã công bố quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án Tangguh Ubadari CCUS Compression (“UCC”) trị giá 7 tỷ USD tại Papua Barat, Indonesia.

Dự án này sẽ mở khóa khoảng 3 nghìn tỷ feet khối tài nguyên khí đốt bổ sung, phù hợp với chiến lược của BP nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Châu Á trong khi thúc đẩy các cam kết carbon thấp của mình.

Dự án Tangguh UCC sẽ là dự án đầu tiên của Indonesia triển khai công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) trên quy mô lớn. Phương pháp tiếp cận sáng tạo này nhằm mục đích cô lập 15 triệu tấn CO2 trong giai đoạn đầu, với tiềm năng mở rộng hơn nữa do khả năng lưu trữ đáng kể của khu vực.

Dự án bao gồm phát triển mỏ khí Ubadari và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có tại cơ sở LNG Tangguh, nơi hiện đang tự hào có công suất hóa lỏng là 11,4 triệu tấn mỗi năm. Dự kiến mỏ Ubadari sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2028, củng cố thêm vai trò của khu vực trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại London, Tổng Giám đốc điều hành BP Murray Auchincloss đã nhấn mạnh tầm quan trọng kép của dự án. Tổng Giám đốc BP lưu ý rằng dự án này mở ra các nguồn tài nguyên khí đốt đáng kể đồng thời đánh dấu một cột mốc cho Indonesia bằng cách kết hợp công nghệ CCUS để tăng cường thu hồi khí đốt. Auchincloss cũng nhấn mạnh sự hiện diện lâu dài của BP tại Indonesia, với hơn 55 năm kinh nghiệm và quan hệ đối tác địa phương chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển mang tính đột phá này.

Dự án Tangguh UCC phù hợp với khuôn khổ tài chính có kỷ luật của BP, đáp ứng tỷ lệ rào cản lợi nhuận và củng cố trọng tâm của dự án vào các khoản đầu tư hướng đến giá trị. Với Tangguh UCC, BP tiếp tục dẫn đầu trong việc tận dụng công nghệ và đổi mới để đáp ứng thách thức kép về an ninh năng lượng và phi carbon hóa, thiết lập chuẩn mực cho các dự án trong tương lai trong khu vực.

TotalEnergies tạm dừng đầu tư vào Adani Green, chờ làm rõ vụ việc hối lộ

Hôm thứ Ba (26/11), Tổng Giám đốc Điều hành của tập đoàn Pháp Patrick Pouyanne cho biết TotalEnergies sẽ tạm dừng đầu tư vào dự án năng lượng Adani Green, cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về các cáo buộc về vụ án hối lộ của Hoa Kỳ đối với tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani.

Bên lề Diễn đàn Tình báo Năng lượng, Pouyanne cho biết TotalEnergies mà nắm giữ gần 19,8% cổ phần của Adani Green, có các lựa chọn khác trong danh mục đầu tư của mình để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng năng lượng tái tạo. Pouyanne nhấn mạnh rằng công ty của ông không từ bỏ dự án, nhưng sẽ không cung cấp tài chính cho bất kỳ chương trình mới nào.

Hôm thứ Hai (25/11), TotalEnergies cho biết rằng họ chưa được thông báo về cuộc điều tra của Hoa Kỳ về khả năng hối lộ và tham nhũng tại Adani Green Energy Limited, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ ngừng đóng góp tài chính cho các khoản đầu tư của Adani Group sau bản cáo trạng tuần trước./.

Thanh Bình

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-doanh-nghiep-tim-kiem-co-hoi-truoc-nhung-thong-diep-trai-chieu-tai-cop29-721200.html