Bán thứ từng chỉ cho lợn ăn mà thành triệu phú

Giờ đây, đặc sản này đã 'một bước lên tiên', trở thành nguyên liệu xa xỉ trên bàn ăn của giới nhà giàu.

Thức ăn cho lợn thành nguyên liệu đắt hàng đầu thế giới

Trong ngành ẩm thực toàn cầu, nấm truffle được mệnh danh là một những nguyên liệu đắt nhất thế giới, dù ở thời xưa, chúng chỉ được dùng làm thức ăn cho lợn. Trong đó, loại nấm truffle trắng đắt nhất thực chất không nằm ở châu Âu mà lại đến từ vùng Vân Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên trước đây, ngành trồng và kinh doanh nấm truffle ở Vân Nam còn tồn tại nhiều bất cập bởi cạnh tranh nội bộ giữa đại lý thu mua và nông dân.

Nấm truffle thường phải chờ đến tháng 10 mới hoàn toàn trưởng thành, nhưng nhiều nông dân muốn tăng thu nhập nên thường lên núi đào trước tháng 10. Đồng thời, các đại lý thu mua vì cạnh tranh kịch liệt nên đã điều chỉnh thời gian đưa nấm ra thị trường. Kết quả, nấm truffle đưa ra thị trường có chất lượng kém, không nhiều người chịu thu mua.

Lúc này, một người đàn ông có tên Mã Minh Cương (sinh năm 1987) tại Vân Nam, Trung Quốc đã nhìn ra vấn đề của ngành nấm truffle ở Vân Nam. Anh quyết tâm “cải tạo” ngành này để biến nấm truffle thành mặt hàng có thể đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho địa phương.

Đi ngược số đông để biến nấm truffle địa phương thành “mỏ vàng”

Tại Vân Nam, có một quy định cũ là người mua sẽ chỉ thanh toán tiền cho nông dân sau khi họ bán được hàng. Anh Cương đã làn ngược lại, thanh toán ngay cho nông dân khi nhận được hàng và nhận thu mua tất cả nấm truffle, bất kể chất lượng.

Theo thời gian, anh dần được nhiều nông dân tin tưởng, thậm chí một số người có mối đại lý quen cũng sẵn sàng chuyển sang bán cho anh. Dần dần, các đại lý khác thấy tình hình đó cũng phải dần làm theo anh Cương.

Sang đến năm thứ hai, anh Cương đã chuyển nhượng đất và mua nhiều ngọn đồi ở Côn Minh và một số nơi khác thuộc Vân Nam. Tại ngọn đồi của mình, anh bắt đầu đặt ra quy định cho nông dân: chỉ được lên núi đào nấm truffle sau tháng 10. Bù lại, anh hứa sẽ trả cho họ nhiều hơn 10% so với giá thu mua trên thị trường.

Chất lượng nấm truffle dần được đảm bảo, nguồn cung ngày càng nhiều, anh Cương tiếp tục tìm cách để quảng bá nấm truffle đến nhiều người hơn nữa, thay vì phụ thuộc vào lượng khách cố định từ các đại lý thu mua.

Anh tìm đến một đầu bếp địa phương có tên Tô Khởi Thắng. Quán ăn của anh Thắng có một món rất đắt khách làm từ nấm, dù giá đắt đến mấy vẫn có khách đặt, thậm chí còn phải đặt trước mới có cơ hội được thưởng thức. Bên cạnh đó, người đầu bếp này còn nghiên cứu ra một món mới - cơm chiên nấm truffle. Anh Cương sau khi nếm thử món mới này đã cảm thấy như “tìm được lời giải” cho bài toán quảng bá nấm truffle .

Ở Trung Quốc trước đây, người dân chủ yếu chỉ biết đến nấm truffle thông qua các món ăn phương Tây. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu có thể kết hợp nấm truffle với đồ ăn Trung Quốc? Hơn nữa, nhiều chủ nhà hàng ở Trung Quốc cũng sẽ đến chợ để mua nguyên liệu. Đây chính là những khách hàng tiềm năng hoàn hảo.

Để quảng bá nấm truffle, anh Cương đã sáng tạo ra hơn 50 món ăn đặc biệt được chế biến từ nguyên liệu này, sau đó mời nhiều chủ nhà hàng Trung Hoa đến nếm thử. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn họ công thức làm những món này mà không hề thu phí.

Rất nhanh sau đó, các chủ nhà hàng đã hiểu được mục đích của anh Cương cũng như nhận ra cơ hội kinh doanh khổng lồ từ nấm truffle. Bởi, họ có thể thêm nấm truffle vào các món ăn để biến chúng thành những phần ăn trị giá từ hàng trăm NDT đến hàng nghìn NDT (1.000 NDT tương đương 3,4 triệu đồng).

Chỉ trong vòng 1 năm, anh Cương đã hợp tác với hơn 1.000 chủ nhà hàng Trung Hoa. Nấm truffle của anh cũng được bán khắp Trung Quốc. Mỗi năm, thu nhập của anh Cương có thể lên đến 15 triệu NDT (gần 51 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-thu-tung-chi-cho-lon-an-ma-thanh-trieu-phu-204250101152706273.htm