Băn khoăn không cho rút bảo hiểm xã hội 1 lần có đẩy người lao động vào thế khó

Đại biểu Quốc hội nhận định, nếu không cho rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động sẽ 'có cảm giác bị đẩy vào thế khó'.

Nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH

Hôm nay (27/5), tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1 chỉ cho người tham gia BHXH trước ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút BHXH một lần. Người tham gia sau thời điểm này không được rút nữa.

Phương án 2 là người lao động được rút BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề xuất lựa chọn phương án 1, nhằm thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Quá trình lấy ý kiến, phương án này cũng nhận được nhiều ủng hộ và là phương án an toàn hơn.

Về lâu dài, bà Nhi đề nghị có định hướng truyền thông tham gia BHXH nhằm bảo đảm chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHYT, lương hưu khi về già. Cùng đó là nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng 2 phương án rút BHXH một lần đều có ưu điểm, hạn chế riêng.

Không chọn phương án 2, bà Hạnh cho rằng nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động.

Nhưng với phương án 1, nữ đại biểu băn khoăn vì những người đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực sẽ không còn lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM).

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM).

"Trong khi chưa có chính sách chăm lo hữu hiệu, người lao động vẫn còn mong muốn rút BHXH một lần để lo cho những bức thiết của cuộc sống. Khi bản thân và gia đình người lao động ốm đau, phải nhắm mắt vay tín dụng đen, cần cân nhắc việc không cho họ được quyền lựa chọn rút BHXH một lần", bà Hạnh nêu quan điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cả 2 phương án Chính phủ trình về rút BHXH một lần đều chưa phải những phương án tối ưu. Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh sự xáo trộn.

Đồng thời, bà đề xuất một chính sách có thể hạn chế người lao động rút BHXH một lần, đó là giao BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH một lần.

"Trường hợp này, sổ BHXH như một sự đảm bảo khoản vay của người lao động nên thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập", bà Hạnh nói.

Trường hợp người lao động không đồng ý vay, nên cho người lao động rút BHXH một lần, theo Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Cả 2 phương án đều chưa phải tối ưu

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), cả 2 phương án đề xuất đều chưa phải tối ưu.

Thực tế cho thấy, rất nhiều người cần có khoản chi phí để trang trải vượt qua khó khăn trước mắt, nên không thể hạn chế rút BHXH 1 lần với những người tham gia BHXH sau ngày luật sửa đổi có hiệu lực. Điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng trái chiều, "thậm chí nhiều người cảm giác bị đẩy vào thế khó, mất niềm tin vào hệ thống BHXH".

Tương tự, với phương án 2, người tham gia BHXH sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, mất công bằng, có tâm lý so sánh và ồ ạt rút BHXH 1 lần trước khi luật sửa đổi có hiệu lực.

Bà Nga kiến nghị tích hợp cả 2 phương án. Theo đó, với người tham gia BHXH trước ngày luật sửa đổi có hiệu lực thì áp dụng phương án 1. Người nào tham gia BHXH sau thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực thì áp dụng phương án 2.

Đồng thời, bà Nga cho rằng, cần làm rõ 50% tổng thời gian đóng mà người lao động được rút BHXH 1 lần là thời điểm nào. Bởi lẽ, số tiền người lao động đóng vào quỹ BHXH là không giống nhau qua các giai đoạn, tùy vào mức lương điều chỉnh.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu)

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu)

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, rút BHXH 1 lần là vấn đề khó, phức tạp.

Bà Ry dẫn chứng, tháng 4 vừa qua, có đến hơn 121.000 trường hợp rút BHXH 1 lần, tăng 39% trong quý I/2024, cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu không có giải pháp hiệu quả thì thời gian tới số lượng người rút BHXH 1 lần "chắc chắn sẽ tăng thêm".

Bà Ry không đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho rằng nếu áp dụng phương án 1 là tối ưu, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến 18 triệu người đang tham gia BHXH, vì như vậy là chưa tính đến số người rút BHXH 1 lần sẽ tiếp tục tăng sau ngày luật sửa đổi có hiệu lực.

Bày tỏ sự ủng hộ phương án 2, nhưng nữ đại biểu cho rằng, kể cả phương án này cũng tiếp tục cần hoàn thiện.

Trong đó, bà Ry đề nghị rút ngắn điều kiện rút BHXH 1 lần từ 12 tháng xuống 3 - 6 tháng, nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.

Đồng thời, nếu người lao động có nhu cầu rút BHXH 1 lần thì được giải quyết, nhưng không quá 50% đối với phần mình trực tiếp đóng. 14% còn lại do người sử dụng lao động đóng được giữ lại để bảo bảo quỹ hưu trí cho người lao động. Họ sẽ được hưởng khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Quy định như trên bảo đảm nguyên tắc "có đóng có hưởng", tránh tạo tâm lý người lao động muốn rút BHXH 1 lần để được hưởng thêm tiền từ khoản 14% không phải do mình đóng.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần có đề án và tính toán chính sách cho vay an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-khong-cho-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-co-day-nguoi-lao-dong-vao-the-kho-192240527142228373.htm