Bản hùng ca Điện Biên Phủ (bài 2)

Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là 'đánh chắc thắng', Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển phương châm tiêu diệt địch từ 'đánh nhanh, thắng nhanh' sang 'đánh chắc, tiến chắc'. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lùi về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Đây là một quyết định lịch sử, khó khăn nhất trong đời chỉ huy quân đội của Đại tướng.

Bài 2: Chắc thắng mới đánh

Nước Pháp đã trang bị phương tiện chiến tranh tối tân, cùng với giúp sức của Mỹ, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành cỗ máy chiến tranh mà Pháp coi là “bất khả xâm phạm”. Trung ương Đảng, Chính phủ đã huy động toàn dân ra trận, coi như trút toàn bộ “vốn liếng” ở hậu phương gửi lên Tây Bắc, làm nên một trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Quân ta kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Quyết định lịch sử

Trước ngày lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ, Bác hỏi:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?

- Các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

- Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác Hồ nhắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[1].

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận cơ quan chỉ huy chiến dịch lên đường đi Tây Bắc. Lúc đầu, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Vì quân địch vừa mới đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, chưa kịp làm công sự chiến đấu kiên cố, quân ta “đánh nhanh, thắng nhanh” là hợp lý. Do đường đi lên núi rừng Tây Bắc khó khăn, hiểm trở, bộ đội và dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, đặc biệt kéo những trọng pháo lên núi cao bị chậm lại so với dự kiến. Quân Pháp đủ thời gian xây dựng nhiều trung tâm đề kháng phòng ngự vững chắc.

Pháo binh của quân ta đã kéo vào vị trí tác chiến, chờ lệnh khai hỏa dội lửa vào sân bay Mường Thanh và nhiều vị trí khác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kỹ tình hình tại chiến trường và đưa ra nhận định: “Bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km và rộng 6-7km...”.

Ngày, giờ nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ấn định, cả dân tộc Việt Nam dồn hết sức lực vào trận đánh quyết định này. Nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa nắm được nguyên tắc cao nhất của Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lùi về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Đây là một quyết định lịch sử, khó khăn nhất trong đời chỉ huy quân đội của Đại tướng.

Bắt sống tướng chỉ huy De Castries

Tướng De Castries và toàn bộ Bộ Chỉ huy quân Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Kéo được những trọng pháo lên núi cao đã là kỳ công của bộ đội, bây giờ hoãn tấn công, bộ đội phải kéo pháo trở ra điểm tập kết, sức chịu đựng của bộ đội và khó khăn tăng lên nhiều lần. Bài hát “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, chiến sĩ Đại đoàn 312, ra đời trong nhịp này. “... Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”.

Tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ, dân công toàn mặt trận đều triệt để chấp hành mệnh lệnh “đánh chắc, tiến chắc”. Sau thời gian quân ta củng cố lực lượng, tập kết hậu cần từ hậu phương vận chuyển lên, Bộ Chỉ huy chiến dịch triển khai nhiệm vụ mới, pháo binh “át chủ bài” được đưa lên lại trên những núi cao, đào công sự cho pháo ẩn nấp.

Ngày 13/3/1954, trận pháo mở màn chiến dịch, pháo binh của ta từ núi cao bắn thẳng vào sân bay Mường Thanh và một số trung tâm đề kháng của quân Pháp ở phía ngoài. Việc pháo binh của ta xuất hiện ở Điện Biên Phủ làm cho quân Pháp choáng váng, đến nỗi Đại tá Piroth - chỉ huy pháo binh của Pháp đã tự sát tại hầm của mình bằng một trái lựu đạn.

Bản đồ diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Hải Luận

Đường hàng không của Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta cắt đứt, vòng vây được khép chặt lại. Quân Pháp cung cấp vũ khí, lương thực... xuống Điện Biên Phủ bằng dù. Lượng lớn dù hàng từ máy bay thả xuống đã rơi vào tay quân ta.

Công sự chiến đấu của quân Pháp rất vững chắc, bộ đội ta khó xung phong tấn công trên mặt đất ở địa hình trống trải. Chúng ta đã chọn hình thức tác chiến bằng trận địa chiến hào bao vây và tiến công. Hệ thống hào bao bọc ở vòng ngoài, đào đường hào tiến công thẳng vào trận địa của địch. Tại Đồi A1, quân ta phải đào hào tiến đến sát công sự, chuyển nhiều thuốc nổ vào đặt thành một khối lớn nổ tung cả ổ kháng cự cuối cùng gần trung tâm chỉ huy quân Pháp.

5 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, chỉ huy Đại đoàn 312 báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát (De Castries)”. Bộ Chỉ huy chiến dịch điện cho các đơn vị: “... Kêu gọi và hướng dẫn địch ra hàng. Khẩu hiệu như sau: Hãy ra hàng! Các anh sẽ được đối đãi tử tế. Cầm cờ trắng, đi ra phải có trật tự. Cấm không được phá hoại vũ khí, đạn dược”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện trực tiếp cho Đại đoàn trưởng 312 - đồng chí Lê Trọng Tấn:

- Có đúng là đã bắt được Đờ Cát không?

- Báo cáo anh, anh em báo cáo lên là đã bắt được.

- Căn cứ vào đâu mà biết đó là Đờ Cát? Cần bắt cho được Đờ Cát. Không được để địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhận dạng với căn cước, kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu. Các đồng chí chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Các đồng chí có ảnh của Đờ Cát chưa?

Ngay lập tức, Đại tướng cử một cán bộ của mặt trận dùng xe Jeep chạy xuống đơn vị mang theo tấm ảnh của tướng De Castries. Sau thời gian chờ đợi, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn gọi điện báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đúng là đã bắt được Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đờ Cát vẫn còn cấp hiệu, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của y”.

Đại tướng hỏi lại:

- Đồng chí đã thực mắt nhìn thấy Đờ Cát chưa?

- Báo cáo anh, Đờ Cát cùng với cả Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả chiếc gậy “can” và mũ chào mào đỏ.".[2]

Nghe xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay sang viết ngay điện báo cáo với Trung ương và Chính phủ tin quân ta ở Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Hải Luận

-----------------------------

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 65-66.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 392-393.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-hung-ca-dien-bien-phu-bai-2-post475200.html