Bàn giải pháp giảm phát thải trong sản xuất lúa
Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước gây phát thải với tỷ lệ khá lớn với trên 50% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Sản xuất lúa phát thải thấp – Cơ hội đầu tư”. Có nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa được các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra; trong đó giải pháp quan trọng nhất là hạ tầng nông nghiệp cần được đầu tư đồng bộ, cùng với đó là các biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, các giải pháp giảm phát thải nhà kính tăng cường hấp thụ các bon thông qua các hoạt động sản xuất của ngành có vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Các phương án đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp cần phải được xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh phát triển bền vững.
Theo tính toán của các viện nghiên cứu chuyên ngành trong nước và quốc tế, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước gây phát thải với tỷ lệ khá lớn. Riêng ở Việt Nam, các cơ quan chuyên môn đánh giá, canh tác lúa đóng góp trên 50% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa nước sinh ra chủ yếu do quá trình ruộng lúa bị ngập nước. Khi nước bao trùm lên toàn bộ bề mặt đó thì tất cả những diễn biến trong quá trình phản ứng hóa học xảy ra ở dưới đất, gọi là quá trình ô xi hóa khử. Quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, quang hợp của cây lúa, của hệ vi sinh vật yếm khí nằm ở dưới đất sẽ sinh ra những chất như N2O hoặc là khí metan và đó là những khí liệt vào khí nhà kính.
Tại hội thảo này, các chuyên gia đã đề cập nhiều giải pháp nhằm hạn chế phát thải từ sản xuất lúa; trong đó, biện pháp được tập trung thảo luận là việc áp dụng hình thức tưới rút nước giữa vụ. Thực tế, ở các vùng trọng điểm sản xuất lúa như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, đều có kinh nghiệm với việc rút nước phơi khô mặt ruộng. Vấn đề này đặt ra là kỹ thuật canh tác và hạ tầng thủy nông có đáp ứng để người dân nhân rộng cách làm này hay không.
Ông Trần Văn Thể, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, nông dân hoàn toàn có thể tiếp cận kỹ thuật này. Qua kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những kỹ thuật này rất tốt trong việc đóng góp giảm phát thải từ sản xuất lúa. Nhà nước cần hỗ trợ chính sách về thủy lợi và cơ sở hạ tầng, bởi những biện pháp này vừa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đồng thời đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa.
Theo các chuyên gia môi trường nông nghiệp, đã có nhiều chính sách liên quan đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đối với phát thải trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, ngoài nguồn lực của Nhà nước, rất cần thêm nhiều nguồn kinh phí, nhất là khu vực tư nhân đầu tư và hạ tầng nông nghiệp theo hướng lồng ghép kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ban-giai-phap-giam-phat-thai-trong-san-xuat-lua/69524.html