Bài tham dự cuộc thi 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Hiện thực hóa 'giấc mơ sông Hồng'

Sử sách không thấy nói sông Hồng hình thành từ bao giờ, nhưng chắc chắn, dòng sông này đã chảy theo lịch sử hào hùng của dân tộc và hội tụ, tỏa sáng tại Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với nhiều kỳ tích vĩ đại.

Ngày nay, với thế và lực vững chãi của Thủ đô Hà Nội, việc phát huy nguồn lực từ sông Hồng đem lại để “muôn đời con cháu yên ấm” trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài 1: Dòng sông sử thi - chứng nhân của lịch sử

Người Việt biết ơn sông Hồng đã bồi đắp nên châu thổ cùng tên. Có châu thổ sông Hồng mới có nền văn minh lúa nước sông Hồng. Từ hàng nghìn năm nay, sông Hồng đã trở thành một phần rất trọng yếu của lịch sử nước Việt, trong đó có hơn một nghìn năm đồng hành cùng lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Nam

Sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Nam

Hào hùng những chiến công

Sông Hồng (còn gọi là sông Cái, sông Cả, Nhĩ Hà) có tổng chiều dài hơn 1.100km thì có hơn 600km chảy trên đất nước bạn Trung Hoa, phần trên đất nước ta dài 556km. Sông bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn (cao 1.776m) thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam trên cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc). Cột mốc biên giới 92 nằm ở Lũng Pô, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là điểm thiêng liêng đánh dấu nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội bắt đầu từ xã Phong Vân (huyện Ba Vì), kết thúc ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), dài khoảng 120km.

Nhờ có châu thổ sông Hồng với địa thế “trung tâm trời đất”, “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông, dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”, “muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi”, với con mắt tường minh, tầm nhìn chiến lược của một bậc đế vương đích thực, đức vua Lý Công Uẩn mới đi đến quyết định có ý nghĩa sống còn đối với đất nước: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa, thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã cho dời Kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, thì sau này Hà Nội mới đóng vai trò là Thủ đô của nước Việt, châu thổ sông Hồng mới thực sự trở thành cái nôi của dân tộc Việt Nam trong hành trình hơn 1.000 năm dựng nước và giữ nước.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn…, dù có lúc không còn là kinh đô nước Việt nhưng bên dòng sông Cái (tên khác của sông Hồng) thì Thăng Long - Đông Đô chưa bao giờ mất vị thế. Lịch sử dân tộc ta còn vang mãi những chiến công của các triều đại gắn liền với những địa danh bên sông Hồng, như: Chương Dương, Vạn Kiếp, Hàm Tử... Hay như năm 1786, Nguyễn Huệ dẫn thủy quân ra Bắc, ngược sông Hồng phá đoàn thuyền chiến của chúa Trịnh ở bến Thúy Ái. Cũng Nguyễn Huệ, lúc này là Hoàng đế Quang Trung, đã hành quân thần tốc ra Thăng Long phá tan 20 vạn quân Thanh của Tôn Sỹ Nghị. Quân tướng giặc chạy qua cầu phao ở bến Tây Long (chỗ Nhà máy Xay Lương Yên, Đầm Trấu bây giờ). Cầu đứt vỡ, quân sĩ chen lấn nhau rơi xuống sông mà tan vỡ…

Tháng 9-1898, người Pháp đã khởi công xây dựng cầu Long Biên (tên ban đầu là Paul Doumer) bắc qua sông Hồng và là cây cầu thép đầu tiên ở Việt Nam mà đương thời được coi là một trong những cầu thép lớn nhất thế giới. Cầu được khánh thành tháng 2-1902, dài 1.862m, gồm 19 dầm thép. Ngoài giá trị giao thông, cầu Long Biên còn là chứng tích lịch sử vắt ngang hai thế kỷ.

Như thế, sông Hồng đã nhiều lần chở che, làm bàn đạp vững chãi cho quân, dân ta làm nên những chiến công lịch sử. Chính dòng sông ấy cũng đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều thế hệ và đôi khi là cả những tai ách.

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, đến nửa đầu thế kỷ XX, bãi Giữa sông Hồng trở nên xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó trồng dâu nuôi tằm… Vì tiếp nước của sông Đà, sông Lô và sông Thao (tên gọi sông Hồng đoạn từ Lào Cai về ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì) nên sông Hồng là con sông hung dữ nhất trong các con sông ở miền Bắc, và hung dữ nhất lại chính là khúc sông qua Hà Nội. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, kinh đô Thăng Long nhiều lần bị lũ lụt... Năm 1915, trận lũ phá vỡ đê Liên Mạc khiến nước tràn vào vùng Cổ Nhuế gây ngập kéo dài mấy tháng trời; phù sa lấp hết ruộng nên không thể cấy được lúa, buộc dân phải chuyển sang trồng màu và làm nghề may.

Kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh

Cũng chính sông Hồng đã chứng kiến những thời khắc lịch sử gắn liền với thời đại Hồ Chí Minh.

Đó là ở làng Phú Thượng ven sông (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), gia đình cụ Nguyễn Thị An được chọn làm điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ đầu tiên khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội (từ ngày 23 đến 25-8-1945) để chuẩn bị cho việc ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.

Rồi ngày 17-2-1947, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch trong lòng Hà Nội, nhận lệnh rút quân lên chiến khu cũng bắt đầu từ ngõ Phất Lộc, phố Hàng Bạc qua cầu Long Biên, đi ven đê sông Hồng... Rồi những bãi bồi Tàm Xá, Hải Bối, Vĩnh Ngọc (Đông Anh), Ngọc Thụy (Long Biên)… đã chở che cho bao chiến sĩ cách mạng vào ra, kết nối An toàn khu với nội thành trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Con đường huyền thoại này của những người con "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" chính là mạch nguồn chiến thắng để tạo nên khúc ca khải hoàn tháng 10 năm 1954.

Những lính Pháp cuối cùng trên cầu Long Biên bắc qua sông Hồng rút khỏi Hà Nội chiều 9-10-1954. Ảnh tư liệu

Những lính Pháp cuối cùng trên cầu Long Biên bắc qua sông Hồng rút khỏi Hà Nội chiều 9-10-1954. Ảnh tư liệu

Sau khi tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), Hà Nội là thành trì của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với thế và lực mới nên nhu cầu xây dựng đô thị “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý hơn bao giờ hết. Vốn dĩ danh từ “Hà Nội” hàm ý chỉ một vùng đất bên trong sông Hồng, vì nằm ở giữa lưu vực sông Hồng, trên đồng bằng đất bồi phù sa nơi dòng sông bắt đầu chuyển hướng nên mỗi cựa mình, vươn cao, vươn xa của Hà Nội đều có ảnh hưởng tương tác với sông Hồng. Hiểu rất rõ vấn đề này nên Bác Hồ, Bộ Chính trị trước hết ưu tiên tập trung bàn thảo về quy hoạch sông Hồng và thủy điện vào các kỳ họp năm 1959, 1962.

Tại một trong những cuộc họp phê duyệt quy hoạch thành phố Hà Nội, có ý kiến đề nghị Bác cho chuyển Thủ đô sang phía Vĩnh Yên, vì ở Hà Nội khí hậu khá nóng. Đồng chí nêu ý kiến dứt lời, Bác cười và bảo: "Từ xa xưa, tổ tiên mình xây dựng kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ, đồng bào miền Nam vẫn hằng ngày hằng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội, nếu mình dời Thủ đô đi nơi khác thì đồng bào sẽ nghĩ thế nào? Thôi thì bây giờ chú cứ sang bên ấy, còn Bác ở lại bên này nhé!”. Nghe vậy mọi người cười ồ mà thật thấm thía, tự nhắc nhau cần làm việc tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11-1959. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11-1959. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, những địa danh: Cầu Long Biên, bến Phà Đen, phà Khuyến Lương… gắn liền với sông Hồng oai hùng và nhiều điểm cận kề khác ven sông cũng làm giặc điên đảo, thua đau trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, mở ra tiền đề cho Hiệp định Paris, tiến tới sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Sông Hồng không chỉ là chứng nhân lịch sử oai hùng của Thủ đô, mà còn là dòng sông sử thi khi gắn liền với bao bức họa, bài hát, thậm chí là những mối tình thơ… Đó cũng là một trong những căn cớ để ngày 16-7-1999, tại thủ đô Lapaz của Bolivia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á, là 1 trong 5 thành phố đại diện cho 5 châu lục được chọn trao giải thưởng này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thế và lực của Thủ đô giờ đã như chàng trai đang vươn sức trẻ rộng dài. Sông Hồng và các chi lưu vẫn lặng lẽ cung cấp nguồn nước sạch cho Hà Nội; tưới tắm cho bờ bãi những vụ mùa bội thu. Động lực từ dòng sông mẹ với quan điểm “lấy sông Hồng là trục trung tâm” qua những cây cầu như Thăng Long, Chương Dương, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Thanh Trì và sắp tới là Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thượng Cát, Mễ Sở, Ngọc Hồi, Hồng Hà sẽ là con đường để Hà Nội phát triển theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-hien-thuc-hoa-giac-mo-song-hong-667195.html