Bài học về quản lý từ chợ cá trái phép trong Cảng Lạch Hới
Những ngày cuối tháng 5, từ 3 giờ sáng, Cảng Lạch Hới ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn bắt đầu nhộn nhịp. Các tàu thuyền về từ nửa đêm nằm chờ, những tàu công suất lớn vừa cập bến cùng bắt đầu đưa hàng tấn hải sản từ khoang tàu lên bờ. Người nhà của các chủ tàu, các tiểu thương, lao động trung chuyển cá... kéo đến càng đông đúc, lên đến hàng trăm người.
Chợ hải sản tự phát ngay trong Cảng Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).
Các hoạt động thu mua, tập kết, vận chuyển hải sản diễn ra ngay trên cầu cảng. Những xe ô tô tải nhỏ cũng “bon chen” đến tận mạn tàu để thuận lợi hơn cho việc trung chuyển hải sản đưa đi khắp nơi. Một không khí huyên náo kéo dài đến khoảng 7 giờ sáng, sau đó vãn dần.
Quan sát tại đây, nước từ hải sản chảy tràn khắp khu vực cảng. Túi ni-lông, một số xác tôm, cá nhỏ trên sàn bê tông cảng bốc mùi tanh hôi khó chịu. Tất cả chảy xuống biển khiến tình trạng ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Theo các quy định, cảng cá là nơi để các tàu thuyền cập bến, phát huy công năng cho phương tiện khai thác hải sản tránh trú trong mưa bão. Việc biến cảng thành khu chợ trao đổi hải sản là không đúng công năng của công trình kiên cố này. Đó là chưa kể, việc ô tô rầm rập ra vào hàng ngày có thể gây lún hoặc ảnh hưởng đến công trình cảng.
Từ tháng 3 - 2020, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng TP Sầm Sơn có chủ trương di chuyển chợ hải sản này về một khu chợ được quy hoạch thì các chủ tàu, ngư dân địa phương phản đối. Theo các ngư dân, việc buôn bán hải sản tại chỗ sẽ thuận lợi hơn nhiều khi phải dùng xe kéo, chở hải sản đến khu chợ cách đó chừng 600m. Nhiều người dân địa phương còn tụ tập đông người, kéo nhau lên phường rồi lên tận UBND tỉnh để giãi bày, yêu cầu cho giữ nguyên chợ cá. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở đây cho rằng, việc phải đưa cá vào khu chợ hải sản quy hoạch sẽ mất thêm chi phí trung chuyển, việc buôn bán cũng không thuận lợi bằng ngay tại cảng. Mấy năm qua, chợ cá ngay trên cảng đã hoạt động, sao vẫn không ai nhắc nhở, bây giờ các tiểu thương đã thành “lốt” đến mua, không muốn di chuyển đi nơi khác.
Vào giữa tháng 3, một buổi làm việc giữa 4 bên được diễn ra, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Sầm Sơn, Ban Quản lý Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến. Các bên liên quan đều nhất trí rằng, việc họp chợ trong cảng là trái phép, cần được dẹp bỏ, đưa hoạt động buôn bán vào quy củ. Đây cũng chính là chủ trương dần xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm của tỉnh đang được thực hiện. Tuy nhiên, khu chợ hải sản mới tại phường Quảng Tiến cũng cần được hoàn thiện thêm hạ tầng, điều chỉnh lại công năng một số hạng mục để phù hợp với điều kiện thực tế và các yêu cầu của tiểu thương và chủ tàu thuyền. Để giải quyết hài hòa mọi quyền lợi và quy định, các bên thống nhất cần lui thời gian giải tỏa khu chợ trái phép trên cầu cảng đến cuối năm 2020. Đây cũng là sự “miễn cưỡng” để phù hợp với thực tế, cho các bên chuẩn bị đầy đủ điều kiện. Điều đó đồng nghĩa, khu chợ hải sản trái phép vẫn tồn tại một thời gian nữa mới giải quyết dứt điểm được.
Vấn đề đặt ra là, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân của phường Quảng Tiến, của TP Sầm Sơn đến đâu? Phải làm cho người dân hiểu, việc họp chợ trên cầu cảng là không đúng công năng của công trình. Thêm một khâu trung chuyển cá cũng giống như nhiều cảng cá khác trong cả nước, vấn đề là do người dân chưa quen mà thôi. Một vấn đề khác được đặt ra, chợ hải sản tự phát này bắt đầu hoạt động từ năm 2017, sao chính quyền địa phương và Ban Quản lý Cảng Lạch Hới không vận động dẹp bỏ từ đầu mà để cho cái sai tồn tại một thời gian dài. Lẽ thường, để cái sai tồn tại ngang nhiên, nhiều người sẽ không nhận thức được đó là sai, thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là điều hiển nhiên đã được thừa nhận. Nay mới yêu cầu phải bỏ hoạt động trao đổi mua bán đã trở thành “tập quán”, chắc chắn sẽ khó hơn ngăn chặn từ đầu rất nhiều.
Đây chính là những bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ công tác quản lý nói chung, quản lý cảng cá nói riêng. Qua tìm hiểu của phóng viên, một vấn đề khác được đặt ra là, từ khi chợ hải sản trái phép này họp trên cầu cảng, hàng ngày, Ban Quản lý Cảng Lạch Hới đều có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ liên quan. Các xe ô tô vẫn vô tư ra vào cảng, miễn là qua cổng đóng 10.000 đồng mà không cần vé. Khó có thể nắm bắt được thu nhập hằng ngày, hằng tháng hay hằng năm của đơn vị này là bao nhiêu? Đơn vị có nộp thuế cho ngân sách Nhà nước từ các thu nhập nói trên hay không? Thời gian qua, ban quản lý cảng cá này có chú tâm vận động Nhân dân địa phương ngừng họp chợ tại đây hay không? Đó chính là những băn khoăn cần được giải quyết triệt để, nhằm đưa chợ cá này vào hoạt động quy củ, đúng quy định.