Bài học từ những đô thị độc hại nhất châu Á

Châu Á là lục địa của 10 thủ đô ô nhiễm nhất hành tinh. Theo các chuyên gia, có nguyên nhân về địa lý, nhưng các tác nhân do con người là lớn hơn cả.

Theo báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh và IQAir, châu Á là lục địa của 10 thủ đô có chất lượng không khí nguy hại nhất hành tinh dựa trên các số liệu thống kê về nồng độ bụi mịn PM 2.5.

Trên thế giới, khoảng 7 triệu người chết trẻ mỗi năm do các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí và cứ 10 người thì có đến 9 đang hít thở trong bầu không khí ô nhiễm.

Không khí ô nhiễm cũng là một trong những tác nhân quan trọng trong suy giảm tuổi thọ ở nhiều quốc gia theo nghiên cứu của WHO. Trong khi Bắc Kinh (Trung Quốc) đang thành công, thì New Delhi (Ấn Độ) vẫn đang chật vật với cuộc chiến chống ô nhiễm.

Cảnh tượng người dân Bắc Kinh đi bộ với mặt nạ phòng độc đeo trên mặt không quá lạ lùng 3, 4 năm trước. Ảnh: Independent.co.uk.

Cảnh tượng người dân Bắc Kinh đi bộ với mặt nạ phòng độc đeo trên mặt không quá lạ lùng 3, 4 năm trước. Ảnh: Independent.co.uk.

Bắc Kinh - Thành phố không thấy mặt trời

Năm 2013, Trung Quốc trải qua một đợt sương mù ô nhiễm tồi tệ nhất từ năm 1961. Vào tháng 1, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tại đây vượt qua mức nguy hại, cao gấp nhiều lần chuẩn an toàn của WHO. Chính quyền buộc phải đưa ra những cảnh báo sức khỏe khẩn cấp cho người dân.

Tháng 12/2013, sương mù dày đặc bao trùm 25/31 tỉnh của đất nước đông dân nhất thế giới, với diện tích khoảng 1,4 triệu km2, ảnh hưởng đến hơn 100 thành phố lớn nhỏ gồm 800 triệu dân. Khi đó người dân Trung Quốc dùng từ "thảm họa mù - smogocalypse" để nói về không khí.

Theo Bộ Sinh học và Môi trường Trung Quốc, hoạt động đốt than đá, khí thải phương tiện giao thông và ngành công nghiệp sản xuất ôtô là nguồn sản sinh PM 2.5 chủ yếu. Trong đó, riêng các hoạt động sử dụng than đá thải ra môi trường khoảng 40% lượng bụi PM 2.5 Trung Quốc phải hứng chịu.

Ngoài ra, các điều kiện về khí hậu, môi trường khách quan cũng góp phần làm tình trạng trầm trọng hơn. Nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí tại Bắc Kinh đo được tại thời điểm đó là 100 microgram/m3 khí gấp 4 lần so với tiêu chuẩn cho phép của WHO

Chỉ số AQI trung bình giảm dần trong 6 năm gần đây tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc.

Tháng 9/2013, Chính phủ Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm không khí, hướng đến giảm nồng độ bụi PM 10 xuống 10% so với năm 2012 và bụi PM2.5 xuống 25% so với năm 2012.

Đây là 2 chỉ số được cho là tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng không khí nguy hại đến sức khỏe người dân.

Lượng khí thải từ phương tiện giao thông cũng được cắt giảm bằng nhiều cách giới hạn lượng xe đăng ký mới hàng năm 150.000 xe. Ngoài ra, ban hành các tiêu chuẩn nghiêm khắc đối với xe mới, xe đang sử dụng và chủng loại xăng dầu.

Thành phố còn áp dụng chính sách hạn chế lưu hành theo khu vực vào thời gian trong ngày. Nhờ đó, từ năm 2015, cả thành phố đã loại bỏ được hơn 2 triệu xe cũ, tăng thêm hơn 200.000 xe chạy điện hoặc sử dụng năng lượng sạch.

Chính quyền Bắc Kinh cũng kiên quyết cắt giảm, di dời nhiều nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá ra khỏi thành phố, buộc thay đổi công nghệ sản xuất, yêu cầu người dân từ bỏ bếp và lò sưởi dùng than.

Trung Quốc còn đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đóng cửa hơn 2.600 doanh nghiệp gây ô nhiễm trong các lĩnh vực in ấn, thủ công nghiệp, đồ gỗ, xi măng...

Sân vận động Tổ Chim, biểu tượng thể thao của Bắc Kinh như lơ lửng trên mây trong bầu không khí ô nhiễm. Ảnh: baltimoresun.com.

Kế hoạch của Bắc Kinh không dễ dàng đạt được mục tiêu ban đầu. Đến tận giữa năm 2017, Trung Quốc mới cắt giảm được 9% nồng độ bụi PM 2.5, dù năm 2013 đã đặt ra mục tiêu 25%.

Theo số liệu mà chính quyền Bắc Kinh công bố mới đây, chỉ số PM 2.5 của thành phố này trong 8 tháng đầu năm giảm xuống chỉ còn 42 microgram/m3, tháng 8/2019 giảm kỷ lục chỉ còn 23 microgram/m3, bình quân số ngày không khí trong lành là 150 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 61,7%, số ngày ô nhiễm nặng chỉ còn 3 ngày, giảm tới 5 ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

New Delhi - Ô nhiễm do đốt rơm rạ

Thủ đô Delhi của Ấn Độ từ lâu cũng được biết đến với tình trạng ô nhiễm ở mức báo động, chất lượng không khí luôn ở mức xấu, nguy hại trong suốt năm 2018 và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Nằm sâu trong lục địa, thủ đô của Ấn Độ cũng nổi tiếng với khí hậu khô, nóng quanh năm, rất ít mưa. Theo các nhà khoa học, với địa thế bất lợi, bao bọc bởi các dãy núi cao nên Delhi thường xuyên rơi vào tình trạng ô nhiễm và không khí độc hại bị "nhốt" trong khu vực đô thị nơi đây.

New Delhi đang từng bước tiến lên dẫn đầu trong top các đô thị có không khí độc hại nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Delhi cũng ráp gianh với 2 bang Haryana và Uttar Pradesh, là 2 địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp lớn, mỗi năm lượng chất thải nông nghiệp mà 2 bang này đốt vào khoảng 35 triệu tấn. Việc đốt rơm rạ khiến chất lượng không khí ở Delhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng rơm rạ, cây bị đốt có thể sản sinh ra lượng bụi mịn, khí CO2 khổng lồ, vượt qua cả nguồn khí thải công nghiệp và từ xe cộ.

Với dân số 29 triệu người (năm 2019), New Delhi cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng về hạ tầng giao thông, lượng phương tiện tăng nhanh và không có biện pháp kìm hãm cũng khiến chất lượng không khí suy giảm. Thậm chí, người dân của một số bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã phải đệ đơn cầu cứu lên thủ tướng nước này để mong có các giải pháp cấp thiết.

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp ngắn hạn. Theo đó, trẻ em sẽ được nghỉ học nếu chất lượng không khí chạm mức nguy hại 3 ngày liên tiếp. Nếu không khí nguy hại trong 5 ngày liên tiếp, thành phố cấm toàn bộ hoạt động xây dựng, phá dỡ nhà cửa.

Nếu không khí tiếp tục không được cải thiện trong 10 ngày, thành phố sẽ cấm toàn bộ các hoạt động của các động cơ chạy bằng nhiên liệu diesel (trừ phục vụ trong bệnh viện và trường hợp khẩn cấp), dừng hoạt động của các nhà máy điện than trong bán kính 10 km từ trung tâm thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng áp dụng các biện pháp như hút bụi đường, phun nước và yêu cầu người dân ở trong nhà những ngày không khí nguy hiểm.

Mỗi năm, 35 triệu tấn phế thải nông nghiệp bị đốt quanh khu vực New Delhi. Ảnh: India Today.

Trái ngược với những thành công của Bắc Kinh, New Delhi lại đang tiếp tục chìm sâu vào vấn nạn ô nhiễm, Chính phủ hoàn toàn thiếu hụt các kế hoạch dài hơi hoặc triển khai quá chậm trễ.

Các kế hoạch 5, 10 năm của thành phố nhằm cắt giảm nguồn thải còn chưa triển khai đã chuẩn bị hết hạn. Trong khi Bắc Kinh từng bị xếp vào một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, giờ đây đã ra khỏi top 200, còn Delhi thì đang tiến dần lên top dẫn đầu.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bai-hoc-tu-nhung-do-thi-doc-hai-nhat-chau-a-post997023.html