Bài cuối: Tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều giải pháp đã được tỉnh Quảng Trị đưa ra như: đẩy mạnh tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cùng nhau liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và kết nối thị trường, bảo đảm tính bền vững của các mô hình...

Nguy cơ tái nghèo còn cao

Là địa bàn nông nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện chính sách giảm nghèo, huyện Triệu Phong đã kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đem lại hiệu quả rõ nét… Song, theo Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hoàng Quang Dưỡng, việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương vẫn còn không ít khó khăn, như: mức đầu tư cho các mô hình còn thấp, chưa tập trung hỗ trợ đủ mạnh để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống của người nghèo; việc lồng ghép công tác dạy nghề cho các hộ nghèo để chăn nuôi, trồng trọt trở thành một nghề có thể giúp các hộ thoát nghèo vẫn còn hạn chế…

“Do giá cả bấp bênh, dịch bệnh khó kiểm soát, các mô hình còn nhỏ lẻ nên phát triển thiếu bền vững. Việc tiêu thụ sản phẩm do các hộ nghèo sản xuất ra còn khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo tại địa phương đều nằm ngoài độ tuổi lao động, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất”, ông Dưỡng lý giải.

Tương tự, tại huyện miền núi Hướng Hóa, việc triển khai các mô hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ mang tính chất trình diễn, do đó nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, dàn trải, phân tán... Cùng với đó, đầu ra nông sản còn khó khăn, giá cả biến động phụ thuộc nhiều vào thị trường, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất…

Đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. ẢNH: N. Bảo

Đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. ẢNH: N. Bảo

Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Thị Ven chia sẻ: Mặc dù được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, của chương trình giảm nghèo bền vững để phát triển một số mô hình sản xuất trên địa bàn, nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Trình độ của người dân còn thấp, tiếp thu khoa học kỹ thuật hạn chế nên việc duy trì các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả chưa cao…

Theo đánh giá của Sở LĐ, TB và XH tỉnh, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, song kết quả giảm nghèo của Quảng Trị chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao; phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn khá lớn, dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân… Bên cạnh đó, lao động khu vực phi chính thức còn khá lớn; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét; giáo dục nghề nghiệp có mặt còn hạn chế...

Ưu tiên các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất

Để giúp người dân thoát nghèo bền vững đang là bài toán đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII để xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, trong đó có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị xác định một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là tích cực mở rộng thị trường lao động, nhất là thị trường có mức thu nhập cao, an toàn cho người lao động; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, hướng dẫn người lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời hỗ trợ giải quyết việc làm khi người lao động hết hạn hợp đồng về nước.

Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động đúng pháp luật. Thực hiện tốt chính sách tín dụng, chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế... Bằng các giải pháp cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của tỉnh đạt 34,5- 37%. Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. 27,5% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 15,4% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra trong thời gian tới như: huy động sự tham gia vào công tác giảm nghèo của các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và tổ chức từ thiện dưới hình thức phù hợp; tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động giảm nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức của người dân; vận động người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước… Tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cùng nhau liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và kết nối thị trường, bảo đảm tính bền vững của các mô hình…

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi-tao-chuyen-bien-ve-nhan-thuc-cho-nguoi-dan-i372909/