Bài cuối: Lấy xây để chống, lấy chống để xây
Từ kinh nghiệm của quốc gia trên thế giới, cũng như thực tiễn tại Việt Nam, để đẩy lùi và tẩy trừ căn bệnh lãng phí khỏi đời sống xã hội, cần triển khai đồng bộ giải pháp mang tính căn cơ và đáp ứng yêu cầu cấp bách. Trong đó đặc biệt đề cao tinh thần 'lấy xây để chống, lấy chống để xây', kết hợp giữa 'xây' và 'chống' để hình thành nét đẹp văn hóa trong thời đại mới.
“Xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao nhất là hình sự...
Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện” như “cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Khi nhắc đến ý thức và văn hóa tiết kiệm, người Việt Nam nào cũng nhớ đến tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Những bài học về tiết kiệm mà Người tự mình thực hành vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tiết kiệm là một trong những phẩm chất làm nên đạo đức của mỗi người, trong đó nổi bật là đạo đức của người cộng sản.
Người dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Và thực hành tiết kiệm và tránh lãng phí trở thành một trong những giá trị đạo đức, văn minh trong thể chế chính trị Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, cầm quyền, đưa nước nhà tới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong nhiều nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước, vấn đề tiết kiệm và thực hành tiết kiệm đã được nêu ra và có những chỉ đạo quyết liệt. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2007/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Năm 2013, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và đã được sửa đổi vào các năm 2017, 2018. Ngoài ra, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ ban hành vào năm 2014 đã thể hiện rất rõ quan điểm về tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước.
Để chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất, trở thành phong trào, nét đẹp văn hóa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quốc Oai (Hà Nội) Nguyễn Trung Thành cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, người lao động, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm. Trong đó, cấp ủy Đảng phải chỉ đạo sát sao, người đứng đầu cấp ủy và đảng viên phải nêu gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất.
Còn theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội Đỗ Việt Anh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bắt đầu từ hành động của từng cá nhân trong doanh nghiệp: “Tôi thường nói với anh em, mỗi ngày làm được việc có ích cho xã hội sẽ thấy rất thoải mái. Thực ra, bây giờ chúng ta đang và sẽ thực hiện những việc mà cha ông ta đã làm từ rất lâu, đó là thực hành tiết kiệm và chống lãng phí”.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu đặc biệt coi trọng giải pháp xây dựng văn hóa chống lãng phí. Theo ông, văn hóa chống lãng phí không phải là những phát ngôn mang tính cao đạo, giáo huấn, khích lệ mọi người, mà phải đi vào thực chất, có sự thống nhất giữa lời nói và hành động, trước hết phải quán triệt, nhận thức đúng, từ đó mỗi người cùng tập thể thay đổi hành vi, tạo thành nếp sống có ý thức, có tầm mức văn hóa soi rọi việc làm tiết kiệm, tránh lãng phí. Mấu chốt của việc tạo chuyển biến tư duy và thực hành là cần chủ động vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng liên quan tới xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 05, Quy định số 144), làm cho mỗi tổ chức, cơ sở Đảng thực sự là một tế bào khỏe mạnh về văn hóa chống lãng phí, có khả năng kháng thể với loại vi rút tha hóa quyền lực.
Với sự quyết tâm và đồng lòng của toàn xã hội, đồng thời, có chế tài mạnh để xử lý, ông Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội tin tưởng, cũng như việc phát động người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và ngồi sau xe máy, cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhà trường và toàn xã hội sẽ thành công.
Có thể nói, từ thực trạng đáng báo động cũng như những hạn chế được đề cập trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta thấy rõ hậu quả của lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Đảng ta đã “bắt mạch”, “kê đơn” trị căn bệnh lãng phí, đưa tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa, thói quen, nếp sống, tạo nền tảng thực hiện hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị.
Những giải pháp có thể thực hiện ngay để đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội, theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh Trần Nguyễn Ngọc, đó là, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét chấp thuận giao đất theo đợt cho doanh nghiệp đối với các dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh và gia hạn chủ trương đầu tư. Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đẩy nhanh tiến độ rà soát pháp lý dự án và tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án. Các doanh nghiệp phải cam kết về năng lực tài chính, con người, máy móc để khẩn trương thực hiện dự án. Những doanh nghiệp nhỏ, nợ thuế, không đủ năng lực đề xuất thành phố thu hồi dự án chuyển giao cho đơn vị khác có nhu cầu, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu Hà Nội có một chiến lược quản lý đất đai hợp lý và minh bạch hơn, sự lãng phí tài nguyên sẽ giảm thiểu đáng kể. Các quyết định thu hồi đất cần phải dựa trên sự đồng thuận và thỏa thuận rõ ràng với người dân. Một chính sách minh bạch sẽ không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời, hình thành một hình ảnh tích cực cho Thủ đô. Hà Nội cần một cuộc cách mạng trong quản lý đất đai, để không chỉ ngăn chặn lãng phí, mà còn khai thác tối đa tiềm năng của từng tấc đất, phục vụ cho sự phát triển của toàn thành phố. Chỉ khi đó, Thủ đô mới có thể vươn lên xứng tầm với vị thế của mình trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, để giám sát, phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi lãng phí gắn với tham nhũng, tiêu cực, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp pháp lý.
Một là hoàn thiện khung pháp lý: Sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích hợp các quy định liên quan trong luật chuyên ngành, bảo đảm sự đồng bộ với các luật về tham nhũng và quản lý ngân sách.
Hai là tăng cường công khai, minh bạch: Quy định bắt buộc công khai thông tin về chi tiêu công, đầu tư công; ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả giám sát và giảm nguy cơ lãng phí.
Ba là nâng cao vai trò giám sát: Trao quyền và tăng cường trách nhiệm cho các cơ quan kiểm toán, thanh tra và các cơ quan dân cử, như: Quốc hội, HĐND trong việc kiểm tra và giám sát tài chính công.
Bốn là có chế tài nghiêm minh: Thiết lập các hình phạt hành chính và hình sự nghiêm khắc đối với các hành vi gây lãng phí, đặc biệt khi liên quan đến tham nhũng và tiêu cực.
Năm là phát huy vai trò truyền thông và xã hội: Truyền thông và người dân cần được tạo điều kiện tham gia giám sát, phản ánh và đề xuất giải pháp khi phát hiện lãng phí.
Sáu là nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu: Quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan trong việc sử dụng nguồn lực, gắn liền với đánh giá công tác và trách nhiệm cá nhân.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng lãng phí thực phẩm, cần áp dụng một loạt các giải pháp, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu dùng. Giáo dục và tuyên truyền là chìa khóa giúp thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề lãng phí thực phẩm. Các chiến dịch truyền thông cần được đẩy mạnh để nâng cao ý thức bảo vệ thực phẩm và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc giáo dục trong trường học về quản lý thực phẩm, dinh dưỡng và cách sử dụng thực phẩm hiệu quả. Ngoài ra, cần áp dụng các công nghệ mới trong canh tác, thu hoạch và bảo quản. Các công nghệ như bảo quản lạnh, kho thông minh và vận chuyển nhanh chóng sẽ giúp thực phẩm giữ được chất lượng trong thời gian dài, giảm thiểu tổn thất trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Khuyến khích người dân tiêu dùng thông minh bằng cách chỉ mua những gì cần thiết, tận dụng thực phẩm thừa để chế biến lại các món ăn mới.
Những biện pháp này giúp củng cố hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công và phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử, định hình tương lai, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đầy lùi thách thức, nắm bắt cơ hội, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, phải định hình một chiến lược phòng, chống lãng phí với những giải pháp căn cơ, hữu hiệu; đồng thời, xây dựng văn hóa tiết kiệm như một nét đẹp ứng xử của thời đại mới.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy”; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”; để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Bài viết: Nhóm tác giả
Ảnh - video - infographic: Hữu Tiệp - Quang Thái và CTV
Thiết kế: Hữu Tiệp
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-cuoi-lay-xay-de-chong-lay-chong-de-xay-683067.html