Bài 3: Sức sống mới ở những thôn, làng

Cụ thể hóa Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (Nghị quyết 15), hàng loạt cơ chế, chính sách đã được Hà Nội ban hành, dần đi vào cuộc sống, góp phần tạo diện mạo tươi mới cho những thôn làng vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô.

Sự quan tâm đầu tư của Hà Nội tạo diện mạo đổi thay cho xã dân tộc miền núi Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Ảnh Lâm Nguyễn

Đời sống không ngừng được nâng cao

Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 90 cây số nhưng để về xã Minh Quang, huyện Ba Vì giờ đây chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy. Đó là bởi gần 100% các tuyến đường trục chính dẫn về xã dân tộc miền núi này đã được cứng hóa.

Năm nay 73 tuổi, ông Nguyễn Văn Đệ, người có uy tín của thôn Lặt (xã Minh Quang) cảm nhận được rõ nét những đổi thay trên mảnh đất mà bản thân đã gắn bó cả một cuộc đời. “95% đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Trong thôn chỉ còn 1 hộ nghèo do sống độc thân, không có khả năng lao động. Không còn đồng bào dân tộc nào phải sống trong nhà ở tạm bợ, dột nát…” - ông Nguyễn Văn Đệ phấn khởi cho hay.

Sau 7 - 8 năm có dịp trở lại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), chúng tôi cũng không khỏi cảm thấy bất ngờ với những đổi thay của vùng đất “chân chim bóng núi” một thời. Con đường đất chạy xuyên qua những tán cây rậm rạp ngày nào giờ được thay thế bằng đường trải nhựa dẫn thẳng về trụ sở UBND xã.

Ông Nguyễn Xuân Lập (thôn Thanh Hà, xã An Phú) cho biết, vui mừng nhất là con em học sinh trên địa bàn không còn phải lặn lội hàng chục cây số để đến trường, nhờ những ngôi trường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới. “Ban đêm, đường làng ngõ xóm sáng trưng ánh đèn. Hội họp giờ đã có nhà văn hóa khang trang, rộng đẹp…” - ông Nguyễn Xuân Lập chia sẻ.
Sau nhiều năm kỳ vọng, đông đảo đồng bào dân tộc tại thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) phấn khởi vì điều kiện sản xuất dần được cải thiện; người dân không còn thấp thỏm với cảnh “trông nước trời để cấy hái”.

Chị Đinh Thị Dương (thôn Đồng Ké) cho biết, từ khi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, bà con có thể áp dụng cơ giới hóa vào làm đất, gieo cấy. “Một năm bà con có thể gieo cấy được 2 - 3 vụ; năng suất cây trồng cũng ngày một được nâng cao…” - chị Hiền chia sẻ.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Vì thay đổi tích cực sau 15 năm về với Thủ đô Hà Nội. Ảnh Lâm Nguyễn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Bùi Văn Sâm cho biết, chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã mang đến cho địa phương vùng bán sơn địa hệ thống điện - đường - trường - trạm không thua kém gì các địa phương miền xuôi. “Nếu so sánh với một số địa phương lân cận xã thuộc tỉnh Hòa Bình, điều kiện sống của đồng bào dân tộc xã Đông Xuân hiện nay tốt hơn khá nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ là khác biệt lớn nhất ở xã Đông Xuân sau 15 năm hợp nhất về với Thủ đô” - ông Bùi Văn Sâm cho hay.

14/14 xã về đích nông thôn mới

Trong số 5 huyện có đồng bào dân tộc sinh sống tập trung, riêng huyện Ba Vì có đến 7 xã. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, về với Thủ đô, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã được Hà Nội quan tâm, đầu tư đồng bộ.

Từng là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của Hà Nội ngày đầu mới hợp nhất, cho đến nay, diện mạo của xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đã thay đổi toàn diện. Đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và đông đảo đồng bào dân tộc Dao nơi đây vui mừng vì địa phương được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Dương Trung Tuấn cho biết, xã Ba Vì là địa phương cuối cùng của

Hà Nội hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Nhưng nếu không có sự ưu tiên lớn trong đầu tư hạ tầng của TP, có lẽ không biết đến khi nào Ba Vì mới có thể về đích nông thôn mới.

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã giúp thay đổi toàn diện diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Tính đến nay, ngoài 7 xã của huyện Ba Vì, 7/7 xã khác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ, đều đã về đích nông thôn mới.

“100% đường từ huyện đến trung tâm các xã đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. Điện lưới được cấp đến 100% hộ dân, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Các xã đều có trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia phục vụ chăm sóc khỏe, giáo dục - đào tạo. Hầu hết các hộ vùng đồng bào dân tộc có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, có điện thoại, mạng internet để sử dụng… chính là những thành quả nổi bật sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô” - ông Nguyễn Văn Chí đánh giá.

Cùng với diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, đời sống kinh tế của cộng đồng các dân tộc cũng được nâng lên rõ rệt. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khoảng 11%. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, hiện đã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội hiện chỉ còn 0,72%. Con số này giảm gần 21% so với thời điểm 15 năm trước, khi Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được ban hành và đi vào cuộc sống.

Vẫn còn không ít trăn trở

Những đổi thay tích cực trong diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã khẳng định Nghị quyết 15 của Quốc hội là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết, đòi hỏi những nỗ lực tiếp nối, sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của T.Ư và Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) Đinh Công Nhật cho biết, sự quan tâm, đầu tư lớn của TP đã mang đến cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều năm được xây dựng, một số công trình hạ tầng hiện đang bị xuống cấp, đặc biệt là thiết chế văn hóa thôn và hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng.

Xã dân tộc miền núi Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đang quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao. Ảnh Lâm Nguyễn.

Tại xã An Phú, đời sống của người dân cũng đang đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội và huyện Mỹ Đức. Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, trên địa bàn có nghề trồng sen kết hợp du lịch trải nghiệm. Nhờ hệ thống giao thông ngày một thuận lợi, đông đảo du khách đã tìm đến nơi đây tham quan, chụp ảnh, ăn uống… Thu nhập của nhiều hộ gia đình được cải thiện đáng kể, không ít hộ đã có “của ăn của để”. “Để thúc đẩy nghề trồng sen nơi đây, người dân địa phương nói chung mong muốn TP tiếp tục quan tâm, kết nối các tour, tuyến đưa du khách đến với xã An Phú. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nghề, hướng dẫn sản xuất những sản phẩm từ sen nhằm đa dạng hóa dịch vụ…” - ông Chuyện bày tỏ mong muốn.

Là địa bàn có 7/14 xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô, huyện Ba Vì cũng còn đó những trăn trở, khi đời sống của đồng bào nhìn chung vẫn còn hạn chế nhiều so với mặt bằng chung của huyện. Thu nhập của đồng bào còn thấp trong khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung, danh mục dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên các dự án dân sinh bức xúc, các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.
(còn nữa)

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-suc-song-moi-o-nhung-thon-lang.html